Doanh nghiệp thủ công mỹ nghệ cần một cuộc cách mạng thay đổi

Người đăng: chia se dam me on Thứ Hai, 13 tháng 5, 2013

sangtaodoimoi.blogspot.com dẫn từ nguồn: http://lifetv.vn/news-view/doanh-nghiep-thu-cong-my-nghe-can-mot-cuoc-cach-mang-thay-doi
Các doanh nghiệp thủ công mỹ nghệ Việt Nam đang có những cơ hội mà rất nhiều doanh nghiệp ở các ngành nghề khác mơ ước, nhưng họ đã và đang để vuột khỏi tay những cơ hội hiếm có này. Vì sao?
Sân chơi rộng mở
Theo thông tin từ Hiệp hội thủ công mỹ nghệ Việt Nam, mỗi năm thị trường hàng thủ công mỹ nghệ thế giới tiêu thụ khoảng 100 tỷ USD. Trong đó riêng thị trường Mỹ tiêu thụ khoảng 40 tỷ USD, Nhật Bản tiêu thụ 13 tỷ USD và Đức tiêu thụ khoảng gần 9 tỷ USD. 
Trung Quốc là nhà cung cấp hàng thủ công mỹ nghệ lớn nhất thế giới. Tuy nhiên do giá nhân công càng ngày càng leo thang và  giá đồng Nhân dân tệ mạnh lên kéo theo giá thành sản xuất nên các đơn hàng đang dần dịch chuyển ra khỏi nước này.
Bên cạnh đó, khách hàng quốc tế càng ngày càng quan tâm nhiều hơn đến trách nhiệm xã hội của nhà sản xuất, như ưu tiên cho việc sử dụng nguyên liệu thân thiết với môi trường, ưu tiên xuất xứ rõ ràng, khuyến khích không sử dụng lao động trẻ em và lao động không có tính pháp nhân, tất cả những điều này lại là điểm yếu của các công ty sản xuất Trung Quốc. 
Ông Lê Bá Ngọc, TTK Hiệp hội xuất khẩu hàng thủ công mỹ nghệ Việt Nam nhận định, Mỹ đang là thị trường rất tiềm năng của ngành bởi những năm gần đây người tiêu dùng Mỹ ngày một ưa chuộng sản phẩm thủ công mỹ nghệ của Việt Nam. Chưa kể đến thị trường Brazil, Nga, Ấn Độ rộng lớn chưa được khai phá.  Thậm chí ngay cả trên thị trường Trung Quốc - nếu chúng ta biết khai thác phân khúc hàng cao cấp thì cũng rất nhiều khách hàng sẵn sàng bỏ tiền ra để mang về những sản phẩm có dấu ấn văn hóa khác biệt với các sản phẩm của nước họ.
Do đó, theo ông Ngọc các doanh nghiệp Việt đang đứng trước một sân chơi rộng lớn với rất nhiều cơ hội để thúc đẩy tăng trưởng cũng như nâng cao vị thế của ngành hàng thủ công mỹ nghệ. 
Bỏ lỡ cơ hội
Tuy thị trường rộng lớn, cơ hội nhiều, nhưng các sản phẩm của Việt Nam đại đa số đều là hàng sản xuất đại trà, mẫu mã ít ỏi đơn điệu, vì thế giá trị gia tăng thấp, dù là nước xuất khẩu hàng thủ công mỹ nghệ đứng thứ 2 châu Á, chỉ sau Trung Quốc, nhưng kim ngạch xuất khẩu chỉ dao động quanh mốc 1,5 tỷ USD, chiếm chưa đầy 1,5% thị phần thế giới.
Thông tin từ Hiệp hội xuất khẩu hàng thủ công mỹ nghệ Việt Nam cũng cho biết cuối năm 2012, đã có nhiều khách hàng chuyển đơn hàng có giá trị từ vài chục đến trăm triệu USD từ Trung Quốc, Ấn Độ sang Việt Nam, thế nhưng không doanh nghiệp Việt Nam nào ký được hợp đồng nào từ những cơ hội này. 
Đứng về quy mô sản xuất, có thể nói hầu hết các doanh nghiệp làm hàng thủ công mỹ nghệ đều là doanh nghiệp vừa và nhỏ trong đó doanh nghiệp làng nghề chiếm đa số. Đặc điểm dễ “nhận dạng” của họ là vốn yếu, lao động chủ yếu là lao động phổ thông làm theo kiểu tranh thủ lúc nông nhàn, nên nếu có đủ thì tay nghề cũng không đồng đều.
 Do vậy một mặt nếu các doanh nghiệp có đơn hàng giá trị cao cũng chưa chắc đủ lao động và đủ trình độ để đáp ứng được về tiến độ giao hàng, mặt khác muốn mở rộng quy mô sản xuất, áp dụng các biện pháp khoa học (ví dụ đầu tư máy tiện, đầu tư máy sơn…) để thay thế lao động tay chân thì lại thiếu vốn.
Bà Hà Thu Hương, PGĐ Công ty TNHH Ngọc Sơn (Hàng Hòm – HN) chuyên xuất khẩu hàng sơn mài sang Mỹ thừa nhận, lâu nay công ty này chủ yếu làm hàng gia công theo mẫu mã mà khách hàng gửi qua, còn bản thân doanh nghiệp thì chưa thể đáp ứng được về mặt sáng tạo thẩm mỹ. “Không phải chỉ riêng chúng tôi. Rất nhiều doanh nghiệp xuất khẩu hàng thủ công mỹ nghệ của Việt Nam đều làm theo cách này. Chỉ sản xuất được như mẫu người ta đưa ra là đã hết hơi rồi” – bà Hương nói.
Ông Lê Bá Ngọc cũng cho rằng, so với Trung Quốc thì mình không thể cạnh tranh được, kể cả giá cả lẫn mẫu mã nếu các doanh nghiệp Việt Nam vẫn lựa chọn sản xuất theo kinh nghiệm và mẫu mã truyền thống, kém sáng tạo. Bởi vậy, con đường mà các doanh nghiệp nên lựa chọn lúc này là thay vì sản xuất đại trà, hãy tập trung vào phân khúc cao cấp.
Muốn như vậy thì phải đầu tư vào thiết kế mẫu mã mới, nâng cao tay nghề của người lao động và áp dụng công nghệ vào quy trình hoàn thiện sản phẩm. Tuy nhiên, ông Ngọc cũng nhận định, để làm được những điều này là cả một cuộc cách mạng với các doanh nghiệp trong bối cảnh vừa thiếu vừa yếu vốn như hiện nay. 


----------------------------------------------------------------------------------------------
TRITRI.org - SÁNG TẠO ĐỔI MỚI
Thích ứng thay đổi * Chủ động sáng tạo * Dẫn dắt thành công
BÀI GIẢNG sáng tạo: bộ cũ link                 BÀI VIẾT sáng tạo: link
BÀI GIẢNG sáng tạo: bộ mới link             HÌNH ẢNH sáng tạo: link

{ 0 nhận xét... read them below or add one }

Đăng nhận xét