Phương pháp 5W+1H (phần 2)

Người đăng: chia se dam me on Thứ Năm, 6 tháng 6, 2013

PHƯƠNG PHÁP 5W+1H (phần 2)
Mục lục
II. PHÂN TÍCH Ý TƯỞNG KINH DOANH
1. Câu hỏi WHO (AI)
2. Câu hỏi WHY (TẠI SAO)
3. Câu hỏi WHAT (CÁI GÌ)
4. Câu hỏi WHERE (ĐỊA ĐIỂM)
5. Câu hỏi WHEN (THỜI GIAN)
6. Câu hỏi HOW (NHƯ THẾ NÀO)

II. PHÂN TÍCH Ý TƯỞNG KINH DOANH
Có một chàng trai ở vùng quê xa xôi hẻo lánh, sau khi hoàn thành khóa học khởi nghiệp kinh doanh, ý tưởng kinh doanh tuôn trào như thác lũ trong tâm trí.
Đệ tử:
-      Đêm qua trong cơn ác mộng, bề tui nảy ra một số ý tưởng kinh doanh nào là nuôi nhím, nào là nhổ tóc bạc,... thưa đạo sĩ tiên sinh?
Đạo sĩ:
-     Nhím là con gì?
Đệ tử:
-      Bẩm ngài tiên sinh! Nhím có tên khoa học là Acanthion Subcristatum, theo tiếng Latin là Quill pigphiên âm sang tiếng làng ta là lợn lông ạ!
Nhím hay là lợn lông đều được. (ảnh: nguồn internet)
Đạo sĩ:
-      Úi mẹ! Lợn nào lợn chẳng có lông!
Đệ tử:
-      Bẩm ngài tiên sinh! Thịt nhím hơi giống thịt lợn rừng, thơm ngon có giá trị dinh dưỡng cao. Bao tử nhím còn gọi là hào trư đỗ dùng để ngâm rượu chữa bệnh dạ dày, kích thích tiêu hóa. Mật nhím dùng chữa đau mắt, đau lưng. Thịt, ruột già, gan và cả phân nhím dùng chữa bệnh phong nhiệt. Da nhím còn gọi là thích vị bì.
Đạo sĩ:
-      Lông nhím có dùng vào việc gì không?
Đệ tử:
-      Bẩm ngài tiên sinh! Lông nhím còn gọi là hào trư mao thích dùng để làm đồ trang sức, chữa đau răng, viêm tai giữa. Nghe đâu giá lên tới cả bạc triệu mỗi kg lông. Trên đời này không có loại lông nào được giá như lông nhím ạ!
Đạo sĩ:
-      Ý tưởng nuôi nhím cũng hay hay đấy!
Đệ tử:
-      Vậy, xin được phân tích ý tưởng kinh doanh này, thưa ngài tiên sinh!
Ý tưởng kinh doanh thời đồ đá. (ảnh: nguồn internet)


Ý tưởng kinh doanh thời đồ đá. (ảnh: nguồn internet)
Đạo sĩ:
-      Với dân kinh doanh chính hiệu, họ phân tích ý tưởng kinh doanh bằng hai món chính là marketing và chiến lược cạnh tranh. Còn với món sáng tạo, hãy dùng phương pháp 5W+1H để phân tích ý tưởng kinh doanh xem sao.
-      Cụ thể hơn, ý tưởng kinh doanh được xem xét trên 5 yếu tố sau:
Sáu yếu tố liên quan đến ý tưởng kinh doanh. (ảnh: nguồn internet)
Đệ tử:
-      Nuôi nhím bán thịt và nhổ tóc bạc có gì khác nhau, thưa đạo sĩ tiên sinh?
Đạo sĩ:
-      Khác đấy! Thịt nhím là hàng hóa ở hình thái sản phẩm, còn nhổ tóc bạc là hàng hóa ở dạng dịch vụ.
-      Với nhím thịt, khâu sản xuất và khâu tiêu dùng tách biệt nhau, thậm chí sản xuất ra nhưng không ai mua. Vấn đề tồn kho là chuyện thường ngày ở bộ lạc.
-      Trong khi đó, với nhổ tóc bạc, khâu sản xuất và khâu tiêu dùng được thực hiện đồng thời, khách hàng phải đưa đầu ra thì mấy em nhân viên mới xử lý được! Nếu không đưa đầu thì đành chịu phép! Dịch vụ không có khái niệm tồn kho.
Ý tưởng kinh doanh thời đồ đá. (ảnh: nguồn internet)
Đệ tử:
-      Hôm nay phân tích ý tưởng kinh doanh nhím thịt, còn ý tưởng kinh doanh dịch vụ nhổ tóc bạc để hôm khác, thưa đạo sĩ tiên sinh?
Đạo sĩ:
-      Ok!
1. Câu hỏi WHO (CON NGƯỜI)
Đệ tử:
-      Nhân tố con người trong kinh doanh ra sao, thưa đạo sĩ tiên sinh?
Đạo sĩ:
-      Không chỉ riêng mặt hàng thịt nhím, với mọi sản phẩm được tung ra trên thị trường, nhân tố ai quan trọng bậc nhất đó là ai mua, tức khách hàng tiềm năng là ai?
Đệ tử:
-      Dễ ợt! Khách hàng mua thịt nhím là những người nhậu thịt nhím, thưa đạo sĩ tiên sinh!
Đạo sĩ:
-      Trên thực tế, việc xác định khách hàng tiềm năng thường không dễ dàng chút nào! Một trong những nguyên nhân gây đổ nợ, tán gia bại sản đối với các doanh nghiệp khởi nghiệp đó là sai lầm trong xác định khách hàng là ai.
-      Trong quá trình khởi nghiệp kinh doanh, lúc bàn tính thì hùng dũng oai phong lẫm liệt, nhưng đến khi sản phẩm ra lò thì lýnh quýnh chạy đôn chạy đáo chẳng biết bán cho ai.
-      Dân nhậu thịt nhím họ vào nhà hàng, quán nhậu để thưởng thức thịt nhím đã được chế biến thơm lừng trong khung cảnh có nhân viên nữ nâng khăn sửa túi. Còn ngươi, ở xứ khỉ ho cò gáy này cách đô thị phồn hoa cả tháng đi ngựa. Vì vậy, dân nhậu không phải là khách hàng của ngươi, có chăng là nhà hàng, quán nhậu mà thôi.
Đệ tử:
-      Vậy thì khách hàng của bề tui là nhà hàng quán nhậu, thưa đạo sĩ tiên sinh!
Quán nhậu tươi sống. (ảnh: nguồn internet)
Đạo sĩ:
-      Thấy vậy nhưng không phải vậy! Nhà hàng quán nhậu bán rất nhiều thứ như: heo, bò, gà, lươn,... các loại rau như: ngò, xà lách, ớt, cà pháo,... trong khi ngươi chỉ có mỗi một thứ là thịt nhím với tần suất mỗi năm thu hoạch vài lứa. Rõ ràng, các nhà hàng quán nhậu cần những nhà cung cấp nguyên vật liệu đa dạng và thường xuyên.
Đệ tử:
-      Vậy thì khách hàng của bề tui là các vựa hải sản, thú rừng, thưa đạo sĩ tiên sinh!
Đạo sĩ:
-      Cũng chưa chắc! Nếu ngươi ở miền Trung khăn gói quả mướp đem 2 con nhím đi giao hàng ở Sài Gòn phồn hoa đô thị thì tiền xe, tiền ăn ở thâm hết cả vốn rồi. Trên thực tế có một chuỗi cung cứng với các thành phần tham gia như sau:
Chuỗi cung ứng mặt hàng nhím thịt.
Đệ tử:
-      Từ chuỗi cung ứng này có thể rút ra những nhận xét nào, thưa đạo sĩ tiên sinh?
Đạo sĩ:
-      Thứ nhất, về mặt vật chất, thịt nhím được dịch chuyển từ nông dân nuôi nhím đến thực khách qua nhiều khâu trung gian và qua mỗi khâu giá trị của thịt nhím tăng lên. Tuy nhiên, giá trị gia tăng trên chuỗi lại phân bố không đồng đều, người nuôi nhận được ít nhất.
-      Thứ hai, về mặt thông tin, người nuôi nhím chưa chắc nhận được thông tin phản hồi từ thực khách để điều chỉnh khâu sản xuất thịt nhím. Giả sử thực khách chỉ khoái nhím đực ở độ tuổi vị thành niên, với qui cách khoảng 6kg/con, liệu thông tin này có được phản hồi về người nuôi nhím?
Đệ tử:
-      Vậy có cách nào để xác định được khách hàng tiềm năng, thưa đạo sĩ tiên sinh?
Đạo sĩ:
-      Thứ nhất, dựa trên sự linh cảm của mỗi người, nhăm nhắm mà làm, may nhờ rủi chịu. Nói chung, những khởi nghiệp kinh doanh đều tự tin vào chính mình cho đến lúc ngã ngửa ra rằng mình không đáng tin cậy lắm khi thất bại liên miên! Phán mười việc chỉ trúng có vài việc. Tuy nhiên, theo dòng thời gian gừng càng già càng cay, khi đó tỉ lệ phán trúng cao hơn.
-      Thứ hai, bỏ tiền ra để thực hiện điều tra nghiên cứu thị trường, từ đó lựa chọn nhóm khách hàng có lợi thế nhất. Hầu hết các công ty lớn đều đầu tư tiền bạc cho khâu này. Trong khi đó, những người khởi nghiệp kinh doanh chẳng cần điều tra nghiên cứu thị trường và coi như tiết kiệm được một khoản chi phí.
Đệ tử:
-      Hậu quả của việc không điều tra, nghiên cứu thị trường ra sao, thưa đạo sĩ tiên sinh?
Đạo sĩ:
-      Giống như băng qua suối mà không biết sâu cạn ra sao. Khi chới với giữa dòng nước xoáy thì mới sực nhớ ra rằng mình quên ném đá dò đường.
Đối thủ là ai?
Đệ tử:
-      Đối thủ cạnh tranh của bề tui là ai, thưa đạo sĩ tiên sinh?
Đạo sĩ:
-      Nếu mần lúa thì ngươi có cả chục triệu đối thủ cạnh tranh trực tiếp, đó là những người cũng mần lúa. Nhưng khi nuôi nhím, số lượng đối thủ cạnh tranh trực tiếp giảm đi rất nhiều nhưng không phải là không có.
-      Đối thủ cạnh tranh gián tiếp của người nuôi nhím có thể là những người nuôi ba ba, kỳ nhông, heo rừng,... tức những sản phẩm có thể thay thế cho thịt nhím trong thực đơn của thực khách.
Tinh thần lạc quan thái quá. (ảnh: nguồn internet)
Đệ tử:
-      Nếu bề tui bày vẽ cho những người xung quanh cùng nuôi nhím thì sao, thưa đạo sĩ tiên sinh?
Đạo sĩ:
-      Về mặt tình cảm thì tốt quá khi san sẻ ý tưởng kinh doanh cho nhiều người cùng làm. Tuy nhiên, về mặt kinh tế, đây là một trong những nguyên nhân gây ra thất bại cho chính mình cũng như những người cùng hội cùng thuyền nuôi nhím.
Đệ tử:
-      Tại sao, thưa đạo sĩ tiên sinh?
Đạo sĩ:
-      Thứ nhất, có nhiều người nuôi nhím có thể dẫn đến tình huống nguồn cung cấp lớn hơn khả năng tiêu thụ của thị trường. Khi đó, vị thế của người nuôi nhím giảm đi so rất nhiều với người thu mua và người thu mua làm chủ cuộc chơi vì họ có thị trường.
-      Một qui luật của thời đồ đá là: “một vợ thì hơi ít, hai vợ thì vô cùng nhiều”. Khi một vài người trồng xà lách thành công thì sẽ có nhiều người hè nhau tham gia trồng theo. Rồi đến khi nguồn cung vượt quá sức cầu của thị trường thì lượng xà lách dôi ra thường được cho heo ăn hoặc làm phân xanh.
-      Thứ hai, khi có nhiều người nuôi nhím có thể dẫn đến tình huống môi trường sống của nhím không còn đủ trong lành và từ đó phát sinh bệnh tật.
Đệ tử:
-      Nếu không xác định được đối thủ cạnh tranh trực tiếp thì hậu quả ra sao, thưa đạo sĩ tiên sinh?
Đối thủ cạnh tranh trực tiếp. (ảnh: nguồn internet)
Đạo sĩ:
-      Nói cho cùng, kinh doanh là một cuộc chiến nên việc không xác định được đối thủ cạnh tranh trực tiếp đồng nghĩa với việc thò mặt ra cho thiên hạ đấm vô tư. Khi đó, sự thành công được phó thác cho sự may rủi của cuộc đời bèo dạt mây trôi.
Đệ tử:
-      Trong đời sống thế tục, lĩnh vực nào dễ dàng xác định đối thủ cạnh tranh nhất, thưa đạo sĩ tiên sinh?
Đạo sĩ:
-      Lĩnh vực cờ bạc!
Dễ dàng xác định đối thủ cạnh tranh. (ảnh: nguồn internet)
2. Câu hỏi WHY (TẠI SAO)
Đệ tử:
-      Tại sao trong thiên hạ lại có người ăn thịt nhím, thưa đạo sĩ tiên sinh?
Đạo sĩ:
-      Về mặt dinh dưỡng, thịt nhím cũng tương đương thịt heo, bò, gà,... Tuy nhiên, về mặt tinh thần, khi  ăn thịt nhím thiên hạ cảm thấy mình vĩ đại hơi so với khi ăn thịt heo, bò gà,... Nói cách khác, bên cạnh vấn đề dinh dưỡng, thịt nhím thỏa mãn nhu cầu tự tôn của thực khách.
Đệ tử:
-      Phải chăng chỉ có thịt nhím mới thỏa mãn được nhu cầu tự tôn trong ẩm thực, thưa đạo sĩ tiên sinh?
Đạo sĩ:
-      Hẩu như mọi thứ đều có thể điều chỉnh để thỏa mãn nhu cầu tự tôn ngoài nhu cầu vốn có. Chẳng hạn, lẩu cua và lẩu cua chân dài khác xa nhau một trời một vực.
Nhu cầu của con người là bất tận. (ảnh: nguồn internet)


Nhu cầu của con người là bất tận. (ảnh: nguồn internet)
Đệ tử:
-      Hàng hóa và nhu cầu có liên quan gì nhau, thưa đạo sĩ tiên sinh?
Đạo sĩ:
-      Hàng hóa là sản phẩm, dịch vụ được trao đổi giữa bên sản xuất và bên tiêu dùng. Hàng hóa là phương tiện để thỏa mãn nhu cầu của khách hàng. Vì vậy, nếu không bán được trên thị trường thì sản phẩm, dịch vụ không trở thành hàng hóa.
Nhu cầu của con người là bất tận. (ảnh: nguồn internet)


Nhu cầu của con người là bất tận. (ảnh: nguồn internet)


Nhu cầu của con người là bất tận. (ảnh: nguồn internet)
Đệ tử:
-      Cùng một nhu cầu có thể có nhiều sản phẩm thỏa mãn được phải không, thưa đạo sĩ tiên sinh?
Đạo sĩ:
-      Đúng vậy! Chẳng hạn, nhu cầu ăn sáng có thể thỏa mãn với hàng loạt sản phẩm như: phở, hủ tiếu, cháo, bún, sữa,... Vì vậy, một quán cháo lòng có thể là đối thủ đáng gờm đối với một quán phở gần đó.
Nhu cầu của con người là bất tận. (ảnh: nguồn internet)
Đệ tử:
-      Cùng một sản phẩm có thể đáp ứng được nhiều nhu cầu khác nhau, thưa đạo sĩ tiên sinh?
Đạo sĩ:
-      Thấy vậy như khó đấy! Phải có một tư duy sáng tạo mới có thể dùng một sản phẩm cho những mục đích khác nhau.
Đệ tử:
-      Xin cho một vài ví dụ minh họa, thưa đạo sĩ tiên sinh?
Đạo sĩ:
-      Ok! Hãy thưởng lãm những ví dụ sau khắc tỏ tường.
Váy làm bằng bao cao su đã qua sử dụng. (ảnh: nguồn internet)


Nướng bánh bằng bàn ủi và máy sấy tóc. (ảnh: nguồn internet)


Đánh bột làm bánh bằng máy khoan. (ảnh: nguồn internet)


Dép làm từ chai nước khoáng. (ảnh: nguồn internet)


Nâng quả bằng áo bảo hộ lao động. (ảnh: nguồn internet)


Giải phóng đôi tay. (ảnh: nguồn internet)


Thế giới cờ thời đồ đá. (ảnh: nguồn internet)


Bóng đèn dùng làm bình hoa. (ảnh: nguồn internet)
Đệ tử:
-      Để hiểu được nhu cầu sâu thẳm của khách hàng có khó không, thưa đạo sĩ tiên sinh?
Đạo sĩ:
-      Vô cùng khó! Nguyên nhân là do những gì biểu hiện ra bên ngoài khi tìm hiểu khách hàng chưa chắc phản ánh chính xác nhu cầu tiềm ẩn bên trong của khách hàng.
Giải mã khách hàng thật là khó khăn. (ảnh: nguồn internet)


Giải mã khách hàng thật là khó khăn. (ảnh: nguồn internet)


Nhu cầu và đáp ứng nhu cầu. (ảnh: nguồn internet)


Nhu cầu và đáp ứng nhu cầu. (ảnh: nguồn internet)
3. Câu hỏi WHAT (CÁI GÌ)
Đệ tử:
-      Trong nghề nuôi nhím, người nuôi kiếm tiền từ cái gì, thưa đạo sĩ tiên sinh?
Đạo sĩ:
-      Tất nhiên là bán thịt nhím lấy tiền, nhưng trên thực tế thì sinh động hơn nhiều. Chẳng hạn, một số người nuôi nhím sau một thời gian hành nghề họ chuyển sang chuyên cung cấp nhím giống. Thậm chí, họ cung cấp dịch vụ tư vấn kỹ thuật nuôi nhím và cao hơn là bao tiêu sản phẩm nhím cho các hộ nuôi nhím khác.
Đệ tử:
-      Giữa tư vấn kỹ thuật nuôi nhím và bao tiêu sản phẩm có gì khác nhau, thưa đạo sĩ tiên sinh?
Đạo sĩ:
-      Tư vấn kỹ thuật nuôi nhím mang tính chuyên môn của nhà nông còn bao tiêu sản phẩm mang tính chuyên môn của thương lái.
Đệ tử:
-      Ngoài thịt nhím có thể tạo ra những sản phẩm nào khác, thưa đạo sĩ tiên sinh?
Đạo sĩ:
-      Ngoài các sản phẩm trực tiếp như: bao tử nhím, lông nhím, mật nhím,... và cả phân nhím, người ta còn chế biến ra những dòng sản phẩm mới như: thịt nhím khô, bột nêm thịt nhím, mì tôm thịt nhím, rượu nhím ông uống bà khen, cà phê phân nhím thay phân chồn, chọi nhím thay chọi gà, rượu vang nhím, sữa tươi nhím, kem dưỡng da nhím, chăn ga gối nệm nhím, bàn chải đánh răng nhím, áo lông nhím,...
Đệ tử:
-      Phải chăng cái gì cũng có nhiều biến thể của nó, thưa đạo sĩ tiên sinh?
Đạo sĩ:
-      Đúng vậy! Sau đây là biến thể của cái mồm.
Những biến thể của cái mồm. (ảnh: nguồn internet)
Đệ tử:
-      Tạo ra nhiều biến thể hay chủng loại sản phẩm để làm gì, thưa đạo sĩ tiên sinh?
Đạo sĩ:
-       Để đáp ứng sâu hơn cho từng nhóm đối tượng khách hàng khác nhau.
Đệ tử:
-      Phải chăng trong kinh doanh có những thứ hàng hóa chỉ có khách hàng mới nghĩ ra được, thưa đạo sĩ tiên sinh?
Đạo sĩ:
-      Đúng vậy! Bằng chứng còn rành rành ra đây!
Sự vô hạn của hình thái hàng hóa. (ảnh: nguồn internet)
Đệ tử:
-      Hàng hóa trong các quán đèn mờ có gì khác so với các quán đèn sáng trưng, thưa đạo sĩ tiên sinh?
Đạo sĩ:
-      Với quán đèn mờ, món chính đóng vai trò phụ, món phụ đóng vai trò chính!
Sự vô hạn của hình thái hàng hóa. (ảnh: nguồn internet)
4. Câu hỏi WHERE (ĐỊA ĐIỂM)
Đệ tử:
-      Yếu tố địa điểm trong kinh doanh như thế nào, thưa đạo sĩ tiên sinh?
Đạo sĩ:
-      Đây là vấn đề rất quan trọng và là một trong những nguyên nhân chính gây đổ nợ, tán gia bại sản cho những người khởi nghiệp kinh doanh.
Yếu tố địa điểm trong kinh doanh. (ảnh: nguồn internet)
Đệ tử:
-      Yếu tố địa điểm có điều gì đặc biệt so với các yếu tố khác trong kinh doanh, thưa đạo sĩ tiên sinh?
Đạo sĩ:
-      Yếu tố địa điểm khó thay đổi và khi thay đổi thường rất tốn kém. Chẳng hạn, với một quán cà phê, thật dễ dàng thay đổi giá cả, biểu hiệu, nhân viên phục vụ, khuyến mãi, trang trí,... nhưng thay đổi địa điểm thì hao tiền tốn của và phiền phức.
Yếu tố địa điểm trong kinh doanh. (ảnh: nguồn internet)
Đệ tử:
-      Vậy, nên mang địa điểm kinh doanh đến với khách hàng hay dụ khị khách hàng đến địa điểm kinh doanh, thưa đạo sĩ tiên sinh?
Đạo sĩ:
-      Tùy vào ngành hàng cụ thể! Vào thời đồ đá, với ngành công nghiệp ve chai đồng nát, sứ giả của thị trường được phái đi khắp hang cùng ngõ hẻm để đến với khách hàng. Trong khi đó, với ngành công nghiệp số đề, cờ bạc, xóc đĩa, đá gà,... khách hàng tự tìm đến mà chơi say như điếu đổ.
Yếu tố địa điểm trong kinh doanh. (ảnh: nguồn internet)
Đệ tử:
-      Việc gắn kết thương hiệu sản phẩm với địa danh xuất xứ có cần thiết không, thưa đạo sĩ tiên sinh?
Đạo sĩ:
-       Rất cần nhưng phải đúng cách! Chẳng hạn, gắn kết mặt hàng cà phê với đồng bằng sông nước thì toi rồi. Hoặc gắn kết mặt hàng nước mắm cá cơm với vùng cao nguyên là hỏng. Hãy vận dụng slogan sau đây vào mặt hàng thịt nhím xem sao nhé: “ca cao - đặc sản làng Camơrun - thơm ngon đến miếng cuối cùng!”.
Đệ tử:
-      Bẩm ngài tiên sinh! Với địa danh sau thì gắn kết thương hiệu như thế nào cho hiệu quả?
Trở ngại trong địa danh xuất xứ. (ảnh: nguồn internet)
Đạo sĩ:
-       Úi mẹ! Trường hợp này thì bó tay thật rồi! Mặc dù thịt nhím thực sự thơm ngon đến miếng cuối cùng thì thiên hạ cũng nghĩ là trò đùa, trong khi thật 100%.
Đệ tử:
-      Trong thương mại điện tử, khi gặp hữu sự thì việc liên hệ với đối tác để giải quyết khúc mắc có dễ dàng không, thưa đạo sĩ tiên sinh?
Đạo sĩ:
-       Nói chung là dễ nhưng cũng có khi khó như bắc thang lên hỏi ông trời!
Yếu tố địa điểm trong kinh doanh. (ảnh: nguồn internet)


Yếu tố địa điểm trong kinh doanh. (ảnh: nguồn internet)
5. Câu hỏi WHEN (THỜI GIAN)
Đệ tử:
-      Yếu tố thời gian trong kinh doanh như thế nào, thưa đạo sĩ tiên sinh?
Đạo sĩ:
-      Sự thay đổi làm thay đổi nhu cầu của bên tiêu dùng cũng như năng lực sản xuất của bên cung cấp nên sự thay đổi có thể tác động đến thị trường. Sự thay đổi thể hiện ra dưới hai hình thái: biến cố và xu hướng. Vì vậy, các biến cố và xu hướng liên quan đến cơ hội và rủi ro trong kinh doanh.
Thế giới là vô thường. (ảnh: nguồn internet)
Đệ tử:
-      Xin cho ví dụ về biến cố tác động đến thị trường, thưa đạo sĩ tiên sinh?
Đạo sĩ:
-      Chẳng hạn, tin đồn ăn cá kèo bị ung thư, bánh phở có chất ướp xác, thịt chó làm từ chó ghẻ,... Thực hư thế nào thì chưa biết nhưng thực khách nghe tin này ít nhiều chùn mồm.
Đệ tử:
-      Có thể biết trước các biến cố, thưa đạo sĩ tiên sinh?
Đạo sĩ:
-      Nói chung, có những biến cố biết trước như lễ Valentine thì tiêu thụ nhiều hoa hồng và socola, biến cố lễ Noel thì tiêu thụ nhiều cây thông giáng sinh. Tuy nhiên, có những biến cố chẳng biết đâu mà lần, chẳng hạn hỏa hoạn, tai nạn giao thông, thiên thạch phi xuống đất,...
Đệ tử:
-      Xin cho ví dụ về xu hướng tác động đến thị trường, thưa đạo sĩ tiên sinh?
Đạo sĩ:
-      Chẳng hạn, xu hướng nước ngầm bị ô nhiễm nên thiên hạ dùng nước đóng bình, xu hướng đưa cha mẹ vào trại dưỡng lão vì con cái bận làm ăn, xu hướng dùng sản phẩm xanh nhằm bảo vệ môi trường, xu hướng rèn luyện thể dục thể thao để chữa bệnh do ăn uống thừa dinh dưỡng,...
Đệ tử:
-      Có thể biết trước các xu hướng, thưa đạo sĩ tiên sinh?
Đạo sĩ:
-      Nói chung, việc nhận ra các xu hướng khó khăn hơn nhiều so với các biến cố. Đó là lý do giới thương lái thường quan tâm đến công tác dự bói.
Đệ tử:
-      Việc trồng nông sản trái vụ liệu có bảo đảm thành công, thưa đạo sĩ tiên sinh?
Đạo sĩ:
-      Từ thượng cổ đến này chẳng có mô hình nào bảo đảm 100% thành công!
-      Về mặt thị trường, trái vụ có thể mang lại lợi thế nhưng nếu tất cả đều chơi trái vụ thì lợi thế này không còn. Về mặt môi trường sinh trưởng, trái vụ có thể gây thảm họa khi lúa không có hạt, chanh thì nhỏ bằng hạt tiêu, tôm thì không có vỏ,...
Yếu tố thời gian trong kinh doanh. (ảnh: nguồn internet)


Yếu tố thời gian trong kinh doanh. (ảnh: nguồn internet)
6. Câu hỏi HOW (NHƯ THẾ NÀO)
Đệ tử:
-      Vấn đề kỹ thuật nuôi nhím được giải quyết như thế nào, thưa đạo sĩ tiên sinh?
Không thể thiếu thuốc đỏ trong nuôi nhím. (ảnh: nguồn internet)
Đạo sĩ:
-      Thứ nhất, lên internet truy tìm. Nói chung, hầu hết kỹ thuật trồng trọt chăn nuôi các thứ đều có đầy trên mạng. Tuy nhiên, có những thứ hầu như không có trên internet.
Cập nhật thông tin chưa đầy đủ. (ảnh: nguồn internet)
-      Thứ hai, khăn gói quả mướp đến nơi nuôi nhím thọ giáo làm đệ tử, sẵn sàng đóng học phí hẳn hoi. Phương án này công khai minh bạch nhưng có thể thiên hạ không trao hết những bí quyết tuyệt chiêu vì sư phụ nào cũng để dành một vài miếng võ hộ thân khi gặp lại học trò cũ.
-      Thứ ba, cứ mua nhím giống về nuôi, được chăng hay chớ. Nếu được thì hưởng nếu không thì coi như học phí để khám phá những điều mới lạ. Thực hiện một thời gian rồi sẽ có ngày trở thành chuyên gia thứ thiệt. Nhiều người không thành công với phương án này mặc dù ý chí vượt khó của họ là vô hạn. Nguyên nhân là do túi tiền và sự ủng hộ của người thân trong gia đình không vô hạn như họ nghĩ.
Có chí vẫn không nên cơm cháo gì. (ảnh: nguồn internet)
-      Thứ tư, thuê chuyên gia nuôi nhím tư vấn, trả tiền cho họ. Với những ngành có qui mô lớn như nuôi tôm, cá,... thì dễ áp dụng, còn nuôi nhím qui mô vài con ở xứ khỉ ho cò gáy sẽ rất khó mời chuyên gia thượng thặng.
-      Thứ năm, quần áo chỉnh tề đóng vai nhà thu mua nhím đến nơi nuôi nhím họ sẽ thao thao bất tuyệt thế nào cũng học được nhiều thứ. Chiêu này các doanh nghiệp hiện đại thường dùng vì ít tốn kém, hợp pháp lại được nhiều thông tin quý giá. Đóng vai khách hàng của đối thủ để tìm hiểu về chính đối thủ đó là một diệu kế trong kinh doanh.
-      Thứ sáu, khổ nhục kế đóng vai kẻ ăn mày khố rách áo ôm xin vào nuôi nhím kiếm cơm qua ngày đoạn tháng, tích cóp tiền bạc để mai rày trở về cố hương như chàng Sinbad lưu lạc đất khách quê người trong truyện 1001 đêm.
-      Thứ bảy, bợ chuyên gia kỹ thuật của đối thủ về làm chính thức hoặc làm lén cho mình. Nói chung, với lời mời gọi hấp dẫn lại nhiệt tình tạo sức quyến rũ lớn thì chuyên gia sẽ đến. Tuy nhiên, đối thủ có thể sẽ trút giận trong tương lai bằng cách này hay cách khác nếu phát hiện được.
Chuyên gia đang hành nghề. (ảnh: nguồn internet)
Đệ tử:
-      Có một số người tuyên bố nuôi nhím bảo đảm thành công 100% trong khi chính họ không nuôi, điều đó có thể hiểu như thế nào, thưa đạo sĩ tiên sinh?
Đạo sĩ:
-      Vào thời đồ đá, thân ai nấy lo hồn ai nấy giữ nên ít chịu sự ảnh hưởng bởi những lời động viên đầy cám dỗ như thế!
Đệ tử:
-      Còn nếu họ cũng nuôi thì sao, thưa đạo sĩ tiên sinh?
Đạo sĩ:
-      Rất có thể họ bán nhím giống! Nói chung, ai bán giống gì thì động viên người khác nuôi trồng giống đó.
Đệ tử:
-      Học kỹ thuật nuôi nhím đã đủ để thành công, thưa đạo sĩ tiên sinh?
Đạo sĩ:
-      Có hai khâu tương đối tách biệt đó là nuôi nhím và bán thịt nhím. Nuôi nhím là công việc chuyên môn của nhà nông. Trong khi đó, bán thịt nhím là công việc chuyên môn của thương lái.
-      Nói chung, những kiến thức và kỹ năng kinh doanh hầu như không được quan tâm. Chẳng hạn, để mở tiệm cắt tóc thì đi học nghề cắt tóc, để mở quán nhậu thì đi học nghề nấu ăn,... và bỏ qua những vấn đề về kinh doanh. Đó là nguyên nhân của sự thất bại hoặc thành công không bền vững trong việc khởi nghiệp kinh doanh
Tư duy kinh doanh bao cao su. (ảnh: nguồn internet)


Tư duy kinh doanh bất động sản. (ảnh: nguồn internet)
Đệ tử:
-      Khó khăn lớn nhất trong việc nuôi nhím là gì, thưa đạo sĩ tiên sinh?
Đạo sĩ:
-      Hãy nhớ những lời vàng ngọc của ngài John Maynard Keynes tiên sinh: “Khó không phải là có ý tưởng mới, mà là thoát khỏi tư duy cũ”.
Đệ tử:
-      Ngộ nhỡ thất bại thì sao, thưa đạo sĩ tiên sinh?
Đạo sĩ:
-      Thì hãy xem video clip sau cho tinh thần phơi phới niềm tin ở tương lai.
Đệ tử:
-      Ai cũng mong thành công nhưng thành công không đến là tại sao, thưa đạo sĩ tiên sinh?
Đạo sĩ:
-      Vì trong tâm trí họ vẫn có điều gì đó mong thành công... đừng đến. Hãy lắng nghe bài hát Anh cứ hẹn do Anh Bằng tiên sinh phổ nhạc thơ Hồ Zếnh tiên sinh qua tiếng hát nữ ca sĩ Như Quỳnh.
Anh cứ hẹn nhưng anh đừng đến nhé 
Để một mình em dạo phố lang thang 
Quán vắng quanh đây nụ hôn quá nồng nàn 
Em bước vội để che hồn trống vắng 

Anh cứ hẹn nhưng anh đừng đến nhé 
Để chuyện tình em đợi đến si mê 
Những lúc xa nhau là tiếng sóng gần kề 
Không dỗi hờn xót xa làm ướt mi 

Tình yêu chỉ đẹp phút hẹn thề 
Tình yêu sẽ buồn khi bước vào vòng đam mê 
Tình như trái mộng chín rung rinh trên đầu cành 
Tình như nắng lụa hoa mộng mơ

Anh cứ hẹn nhưng anh đừng đến nhé 
Tình chỉ đẹp khi còn dở dang thôi 
Những cánh thư yêu đừng nên kết vội vàng 
Những cánh buồm đừng nên dừng bến đỗ 

Anh cứ hẹn nhưng anh đừng đến nhé 
Cuộc đời buồn khi tình đã lên ngôi 
Có biết bao nhiêu tình say đắm tuyệt vời 
Đều dở dang như tình mình thế thôi
Đệ tử:
-      Vấn đề kỹ thuật coi vậy mà không lo lắm, còn vấn đề thông tin thị trường nhím được giải quyết như thế nào, thưa đạo sĩ tiên sinh?
Đạo sĩ:
-      Khất lại hôm khác bàn về chủ đề này nhé.
***


Trần Ngọc Truyền
----------------------------------------------------------------------------------------------
TRITRI.org - SÁNG TẠO ĐỔI MỚI
Thích ứng thay đổi * Chủ động sáng tạo * Dẫn dắt thành công
BÀI GIẢNG sáng tạo: bộ cũ link                 BÀI VIẾT sáng tạo: link
BÀI GIẢNG sáng tạo: bộ mới link             HÌNH ẢNH sáng tạo: link

{ 0 nhận xét... read them below or add one }

Đăng nhận xét