CNTT cần những doanh nhân sáng tạo và liều lĩnh

Người đăng: chia se dam me on Thứ Bảy, 26 tháng 1, 2013

sangtaodoimoi.blogspot.com dẫn từ nguồn http://www.baomoi.com/CNTT-can-nhung-doanh-nhan-sang-tao-va-lieu-linh/76/3135507.epi
"Để tạo ra một xã hội thông tin tri thức đòi hỏi có sự tham gia của những doanh nhân sáng tạo, những người dám liều lĩnh thử nghiệm ý tưởng của mình", cựu Bộ trưởng Thông tin Hàn Quốc Yang Seung Taik chia sẻ trong ngày thứ 2 của Diễn đàn CNTT thế giới, lần đầu tiên tổ chức tại Việt Nam.
Là quốc gia đứng chễm chệ ở vị trí No 1 trong Bảng Chỉ số Cơ hội Số (DOI), Hàn Quốc sở hữu những tỷ lệ "trong mơ" đối với bất cứ ngành công nghiệp ICT nào. Tỷ lệ phổ cập ĐTDĐ lên tới 90%, trong khi số lượng người dùng Internet lên tới 74%. 92% số hộ gia đình đang sử dụng Internet băng thông rộng, giúp quốc gia Đông Bắc Á này trở thành nước có mức độ phổ cập băng rộng cao nhất thế giới.
Nhưng tất nhiên, như mọi quốc gia khác, Hàn Quốc cũng phải bắt đầu đi lên từ con số 0. Trải qua hơn 40 năm vắt sức, nhờ một chiến lược phát triển CNTT đúng đắn, kết hợp với thời điểm "thiên thời" và một chút may mắn, xứ sở Kim chi đã vươn lên trở thành một thế lực hùng mạnh trên bản đồ ICT toàn cầu, với những tên tuổi lẫy lừng như Samsung Electronics, LG Electronics...

4 bước đi lớn của CNTT Hàn Quốc. Phát biểu trên sân khấu Diễn đàn WITFOR4 2009, Cựu bộ trưởng Truyền thông và Thông tin Hàn Quốc, Tiến sĩ Yang Seung Taik cho biết Ngành CNTT Hàn Quốc đã trải qua bốn giai đoạn phát triển để có thể đạt tới thành tựu hiện nay. Trong đó, giai đoạn đầu tiên giữ vai trò hết sức quan trọng, vì nó phải giải quyết một vấn đề mang tính then chốt, nền tảng là Chính sách.

Làm thế nào để tạo ra một bước nhảy vọt về công nghệ? làm thế nào để phát triển và công nghiệp hóa khi chưa có một nền tảng công nghệ cũng như nguồn lực về tài chính? Quan trọng nhất, bằng cách nào chính phủ có thể xây dựng được một Niềm tin Quốc gia về ICT nói chung và các sản phẩm công nghệ do nội địa sản xuất nói riêng? Đó là những câu hỏi hóc búa từng được đặt ra trên bàn những nhà hoạch định chính sách Hàn Quốc vào thập niên 70.
Và rồi giải pháp đề ra là sử dụng các thị trường tiềm năng dưới quyền kiểm soát của chính phủ (như viễn thông chẳng hạn) để kêu gọi nguồn tài trợ R&D (nghiên cứu và phát triển), đồng thời tập trung sáng tạo, phát triển các sản phẩm hấp dẫn thuộc thị trường này để gây dựng niềm tin rộng rãi. Chính phủ Hàn Quốc cũng nghiên cứu những biện pháp kích thích, khuyến khích ngành công nghiệp nội địa tự sản xuất ra sản phẩm, ưu tiên những sản phẩm có khả năng tạo doanh thu cao hơn hoặc có khả năng phát triển xa hơn nữa.
Ông Taik đã nêu ra một dự án "đầu tàu" trong giai đoạn 1 này, đó chính là TDX - Phát triển một hệ thống chuyển đổi điện tử số tốn kém tới 40 triệu USD, trải dài trong 4 năm (từ 1982 - 1986) và đòi hỏi 1500 nhân lực mỗi năm. TDX đã thành công vang dội và tạo tiền đề cho 2 "siêu dự án" tiếp theo là sản xuất DRAM dung lượng 4 Mb và Phát triển Hệ thống Máy chủ Chính cho Chính phủ.
Bước sang giai đoạn thứ hai, chính phủ Hàn Quốc xác định chiến lược then chốt là "Thông tin hóa" dữ liệu quốc gia. Mạng lưới các dịch vụ công được "lôi ra cải tổ" đầu tiên, với các hoạt động như quản lý đăng ký công dân, quản lý ô tô, thông quan điện tử... Sau thành công từ khu vực này, quy trình thông tin hóa mới được mở rộng các lĩnh vực khác như tài chính, giáo dục, nông nghiệp...
Thập niên 90 chứng kiến đất nước Hàn Quốc bước vào giai đoạn thứ ba của cuộc cách mạng công nghệ hóa. Vào thời điểm đó, mạng analog đã chín muồi và chính phủ Hàn Quốc nhận thấy đây là thời điểm thích hợp để đầu tư cho công nghệ CDMA. Hơn nữa, đã đến lúc Hàn Quốc cần có một "sự nhảy vọt trong công nghệ di động số". Mục tiêu cuối cùng là cung cấp một mạng lưới kết nối rộng khắp, liền mạch cho người dùng cả nước.
"Chúng tôi hiểu rằng cách nhanh nhất, hiệu quả nhất để xây dựng một mạng CDMA toàn quốc là thông qua cạnh tranh. Nếu như mạng CDMA thương mại đầu tiên của thế giới ra đời tại Hàn Quốc vào năm 1996 thì chỉ một năm sau, thị trường này đã chứng kiến cuộc cạnh tranh quyết liệt giữa năm nhà mạng khác nhau. Cũng chính nhờ chính sách khuyến khích cạnh tranh mở, thông thoáng mà Hàn Quốc là một trong số ít những quốc gia triển khai thành công dịch vụ 3G. Ngay từ năm 2006, chúng tôi đã cung cấp được mạng 3G trên phạm vi cả nước", ông Taik cho biết.
Tuy nhiên, giai đoạn đóng vai trò quan trọng nhất, đồng thời cũng là đáng nhớ nhất trong tiến trình phát triển CNTT tại Hàn Quốc chính là giai đoạn thứ tư: Kêu gọi và tiếp nhận sự tham gia của cả cộng đồng. Để tạo ra một xã hội thông tin tri thức đòi hỏi có sự tham gia của những doanh nhân sáng tạo, những người dám liều lĩnh thử nghiệm ý tưởng của mình".

Biến khủng hoảng, thất nghiệp thành "sức mạnh thông tin". Năm 1997, cuộc khủng hoảng tài chính đổ ập xuống châu Á và khiến cho hàng triệu người dân Hàn Quốc rơi vào cảnh thất nghiệp. Như một giải pháp tình thế, chính phủ Hàn Quốc đã đào tạo các kỹ năng công nghệ và Internet cơ bản cho khoảng 10 triệu người mất việc trong giai đoạn này, nhằm tạo việc làm mới cho họ. Ít ai ngờ được rằng, khi cơn sốt Internet bùng nổ 4 năm sau đó, chính 10 triệu con người này đã trở thành nguồn lực chính cho cái gọi là "sức mạnh thông tin Hàn Quốc".

Hàn Quốc trở thành quốc gia đầu tiên biến ADSL thành một sản phẩm thương mại, biến Internet thành một phần tất yếu của cuộc sống thường nhật đối với hàng triệu con người.
Tuy nhiên, như chính bản thân ông Taik thừa nhận rằng đây mới chỉ là những thành công ban đầu, guồng quay ICT của Hàn Quốc sẽ chưa dừng lại mà còn tiếp tục hướng tới những mục tiêu cao hơn của tương lai. Đó là xây dựng một hệ thống di động băng rộng tiết kiệm, cách mạng hóa hệ thống phát hành video, xây dựng một ngành công nghiệp multimedia, tạo ra các ngành công nghiệp số mới.
"Hàn Quốc đã làm việc cật lực trong suốt hơn 40 năm qua để thiết lập cơ sở hạ tầng và trở thành một "môi trường thí nghiệm khổng lồ" (Test Bed) cho các đại dự án về xã hội thông tin tri thức. Tuy nhiên, chỉ mình Test Bed thì vẫn chưa đủ để có thể đẻ ra cả một ngành công nghiệp số thế hệ mới khổng lồ. Mục tiêu này đòi hỏi sự tham gia của những doanh nhân sáng tạo, những người dám liều lĩnh thử nghiệm ý tưởng của mình", ông Taik chia sẻ.
Chính vì thế, một trong những nhiệm vụ chiến lược của chính phủ Hàn Quốc hiện nay là phải xây dựng được một hệ thống giáo dục phù hợp và phục vụ kỷ nguyên thông tin. "Không thể chấp nhận được một nghịch lý là kỷ nguyên thông tin đã sẵn sàng song hệ thống giáo dục vẫn tụt lại phía sau", ông Taik kết luận.
Nhận định về vai trò của nguồn nhân lực đối với tương lai ICT của cựu bộ trưởng Truyền thông và Thông tin Hàn Quốc, có thể nói, hoàn toàn trùng khớp với định hướng và cách nhìn của các nhà lãnh đạo Việt Nam. Như trong cuộc Đối thoại Đa chiều bên lề WITFOR4 diễn ra chiều 26/8, Phó Thủ Tướng Nguyễn Thiện Nhân đã khẳng định "Triển vọng Quốc gia và Năng lực cá nhân phải kết hợp với nhau", không thể tách rời.
Trước câu hỏi rằng "Liệu Việt Nam và các nước đang phát triển khác có thể áp dụng hiệu quả cách tiếp cận ICT của Hàn Quốc hay không", ông Taik cho rằng mỗi quốc gia có một điều kiện thực tế khác nhau, một xuất phát điểm, thế mạnh cũng như các điểm yếu khác nhau. Chiến lược phát triển ICT do đó cũng cần có sự xây dựng sáng tạo trên cơ sở học tập kinh nghiệm các nước. Hơn nữa, thời điểm cũng đóng vai trò rất quan trọng. "Chúng tôi bật lên một phần chính là nhờ cuộc khủng hoảng kinh tế 1997. Nhưng dĩ nhiên, các bạn sẽ không mong có khủng hoảng tái xuất hiện như vậy", ông Taik chia sẻ. Nói một cách khác, trong trường hợp của Hàn Quốc, "thiên đã thời, địa đã lợi và nhân đã hòa".



----------------------------------------------------------------------------------------------
TRITRI.org - SÁNG TẠO ĐỔI MỚI
Thích ứng thay đổi * Chủ động sáng tạo * Dẫn dắt thành công
BÀI GIẢNG sáng tạo: bộ cũ link                 BÀI VIẾT sáng tạo: link
BÀI GIẢNG sáng tạo: bộ mới link             HÌNH ẢNH sáng tạo: link

{ 0 nhận xét... read them below or add one }

Đăng nhận xét