Việt Nam làm gì để bật lên bằng kinh tế sáng tạo

Người đăng: chia se dam me on Thứ Sáu, 11 tháng 1, 2013

Kinh tế sáng tạo: con đường đi tới thịnh vượng
Kinh tế sáng tạo đang ngày càng được thế giới quan tâm. Nó bao trùm tất cả các lĩnh vực khác từ âm nhạc, văn học, nghệ thuật, phim ảnh và sân khấu, cho tới phát thanh/truyền hình, báo chí, quảng cáo, tạo mẫu, công nghệ thông tin, sản xuất công nghiệp... Vì vậy kinh tế sáng tạo không chỉ có được một tầm quan trọng đáng kể trong nền về kinh tế quốc dân, mà còn là một mẫu hình cho một ngành kinh tế hiện đại: cung cấp cơ hội việc làm tương đối tốt, đóng vai trò tiên phong trên con đường dẫn tới một nền kinh tế trí thức và là một nguồn chắc chắn cung cấp các ý tưởng độc đáo. Kinh tế sáng tạo - kinh tế dựa trên nền kiến thức và sáng tạo chính là những giá trị lớn của nền kinh tế hôm nay.
Trong báo cáo năm 2010 về định hướng chính sách phát triển quốc tế, Liên Hợp Quốc khẳng định kinh tế sáng tạo là lựa chọn phát triển khả thi đối với các nước đang phát triển trong bối cảnh xã hội biến đổi nhanh chóng. Nhiều chuyên gia cũng cho rằng phát triển kinh tế sáng tạo sẽ là một giải pháp hợp lý đối với kinh tế toàn cầu hiện nay.
Thực tế, ngay cả khủng hoảng kinh tế toàn cầu cũng mang tới những cơ hội tuyệt vời để tất cả các nước, đặc biệt các nước đang phát triển thử nghiệm các lựa chọn mới, đường lối phát triển mới và định hướng chính sách mới. Kinh tế sáng tạo có thể góp phần thúc đẩy tăng trưởng và thịnh vượng, đặc biệt đối với các nước đang phát triển đang tìm cách đa dạng nền kinh tế đồng thời tạo ra bước nhảy vọt tại một trong những khu vực kinh tế năng động nhất của thế giới.
Điển hình nhất có thể kể đến nước Mỹ với sức mạnh số 1 thế giới đã và đang dẫn đầu thế giới chính bằng nền kinh tế sáng tạo. Nước Mỹ là môi trường tuyệt vời để phát triển kinh tế sáng tạo, bằng chứng là nơi đây đã có hàng lọat các công ty công nghệ hàng đầu thế giới ra đời và phát triển mạnh mẽ. Mới đây,trong Thông Điệp Liên Bang phát đi hôm 25/1/2011, Tổng Thống Obama cũng đã kêu gọi nước này đổi mới công nghệ để Hoa Kỳ tiếp tục dẫn đầu; cũng như khẳng định sáng tạo là chìa khóa để chấn hưng kinh tế. Một cường quốc hàng đầu thế giới như Hoa Kỳ nay vẫn tiếp tục chú trọng tới kinh tế sáng tạo hằng mong đó là bàn đạp để phát triển kinh tế, vậy có quốc gia nào có thể bỏ qua kinh tế sáng tạo nếu muốn tìm tới sự thịnh vượng?
Một điển hình khác về phát triển kinh tế sáng tạo là Thái Lan. Tháng 1/2011,  chính phủ Thái Lan đã quyết định chi 20 tỷ Bath (khoảng 667 triệu USD) để gia tăng tỷ lệ đóng góp của kinh tế sáng tạo vào GDP từ 12% năm 2010 lên 20% vào năm 2012.
Chính phủ nước này đã lựa chọn 15 nhóm ngành công nghiệp để thúc đẩy phát triển kinh tế sáng tạo, trong đó có các ngành thủ công mỹ nghệ, du lịch, y học truyền thống, ẩm thực, nghệ thuật biểu diễn, âm nhạc, thiết kế, thời trang và kiến trúc. Với kế hoạch này, chính phủ Thái Lan kỳ vọng sẽ đưa nước này trở thành một trung tâm công nghiệp sáng tạo của khu vực Đông Nam Á. Không chỉ duy nhất Thái Lan chú trọng vào nền kinh tế sáng tạo, các quốc gia khác như Anh, Singapore, Trung Quốc và Ấn Độ cũng đã đề ra nhiều chính sách hỗ trợ sáng tạo và tài nguyên tri thức.
Nhiều trường Đại học hàng đầu thế giới như Harvard ngay từ ngày đầu thành lập đã coi sáng tạo là tư duy cốt lõi, là nền tảng tư tưởng để tạo nên những thế hệ lãnh đạo của nền kinh tế toàn cầu. Sáng tạo đến từ việc nhìn nhận vấn đề cũ theo những cách mới, nhận ra logic và tầm quan trọng của những kết quả tưởng như ngẫu nhiên, từ nhận thức "thất bại là mẹ thành công", dám nghĩ, dám làm. Sáng tạo là tinh thần và là tư duy đào tạo của nhiều nền giáo dục hàng đầu.
Đi tìm con đường phát triển kinh tế sáng tạo cho Việt Nam
Trong bối cảnh toàn cầu đó, Việt Nam đã và đang có đầy đủ nền tảng để phát triển kinh tế sáng tạo.
Việt Nam hiện nay vẫn là một nước có dân số trẻ, hiếu học, tiếp thu cái mới nhanh, có khả năng sáng tạo, có ý chí vượt khó. Tuy nhiên chỉ sau 10 năm nữa, Việt Nam sẽ không còn có ưu thế này, vậy phải làm sao tận dụng lợi thế này để phát triển kinh tế sáng tạo?
Mặt khác, Internet ngày càng được phổ cập và sự hội nhập sâu rộng của nền kinh tế Việt Nam vào kinh tế thế giới trong bối cảnh toàn cầu hóa càng trở nên mạnh mẽ. Ngoài ra, những thành công ban đầu của các công ty công nghiệp và dịch vụ nội dung số có thể coi là những trận đánh thử để rút kinh nghiệm, để có niềm tin vào kinh tế sáng tạo của Việt Nam.
Bên cạnh đó, đặc thù các ngành trong kinh tế sáng tạo thường không phải khai thác tài nguyên thiên nhiên, cũng không cần đầu tư quá nhiều vào hạ tầng giao thông; trong khi đó hạ tầng viễn thông Việt Nam nay đã có nền tảng đầy đủ để có thể tạo hạ tầng cơ bản cho phát triển kinh tế sáng tạo.
Đó là những điểm khác biệt để Việt Nam có thế chen chân vào nền kinh tế thế giới.
Tuy nhiên, báo cáo của Liên Hợp Quốc và nhiều nhà nghiên cứu cũng chỉ ra rằng đa số các nước đang phát triển vẫn chưa khai thác hết tiềm năng của nền kinh tế sáng tạo để phát triển, cả về chính sách trong nước và môi trường kinh doanh cũng như xu hướng hệ thống toàn cầu.
Vậy, trong một nền kinh tế phát triển với nhiều cơ hội và thách thức, kinh tế Việt Nam hiện đang ở đâu và đóng vai trò gì trong nền kinh tế thế giới? Làm thế nào để kinh tế Việt Nam phồn vinh bên cạnh Trung Quốc? Đâu là các nhóm ngành mũi nhọn để Việt Nam thúc đẩy phát triển kinh tế sáng tạo? Những doanh nghiệp Việt Nam đang đang trăn trở với bài toán sáng tạo ra sao? Đâu là cơ hội và thách thức cho kinh tế sáng tạo ở Việt Nam? Làm thế nào để Việt Nam có thể bật lên bằng kinh tế sáng tạo?



----------------------------------------------------------------------------------------------
TRITRI.org - SÁNG TẠO ĐỔI MỚI
Thích ứng thay đổi * Chủ động sáng tạo * Dẫn dắt thành công
BÀI GIẢNG sáng tạo: bộ cũ link                 BÀI VIẾT sáng tạo: link

BÀI GIẢNG sáng tạo: bộ mới link             HÌNH ẢNH sáng tạo: link

{ 0 nhận xét... read them below or add one }

Đăng nhận xét