Trung Quốc quyết chuyển sang nền kinh tế sáng tạo?

Người đăng: chia se dam me on Thứ Sáu, 11 tháng 1, 2013

sangtaodoimoi.blogspot.com dẫn từ nguồn http://www.baomoi.com/Trung-Quoc-quyet-chuyen-sang-nen-kinh-te-sang-tao/45/5501682.epi
Trong một chiến lược quốc gia, Trung Quốc đang phấn đấu xây dựng một nền kinh tế dựa nhiều hơn vào đổi mới và phát minh sáng tạo thay vì kiểu “bắt chước” như trước đây.
Dưới đây là nội dung bài viết mới nhất trên tờ New York Times về bước chuyển chiến lược của Trung Quốc từ công xưởng chế tạo sang nhà máy sáng tạo. VEF trân trọng giới thiệu bài viết để những người làm chính sách và bạn đọc cùng suy nghĩ và tranh luận về mô hình cho Việt Nam trước những thay đổi nhanh chóng đang diễn ra ở nước láng giềng.
Rõ ràng, các nhà lãnh đạo Trung Quốc thừa hiểu, một công xưởng chi phí thấp chuyên lắp ráp các sản phẩm đột phá được thiết kế ở nơi khác - như iPad và một loạt các hàng hóa công nghệ cao - có rất nhiều những hạn chế.
Liệu Trung Quốc có thể trở thành một nhà phát minh tầm cỡ? Câu trả lời sẽ chỉ sáng tỏ trong vài thập niên nữa - và quá trình lâu dài ấy sẽ không chỉ quyết định tương lai của Trung Quốc, mà còn góp phần định hình cả nền kinh tế toàn cầu nữa.
Thông tin trên xuất hiện trong một tài liệu mới đây của chính phủ Trung Quốc, với các mục tiêu gia tăng đáng kể số lượng bằng sáng chế trong thời gian tới. Nó giúp chúng ta hiểu được phần nào về cách Trung Quốc nỗ lực thiết lập một xã hội sáng tạo hơn.
Văn bản này, do Văn phòng Sở hữu trí tuệ nhà nước xuất bản tháng 11/2010, có tên gọi "Chiến lược phát triển bằng sáng chế quốc gia (2011-2020)", đề cập tới kế hoạch tổng thể, cũng như mục tiêu chi tiết, phấn đấu hoàn thành đến năm 2015.
Trong một cuộc phỏng vấn mới đây, David J. Kappos, giám đốc Văn phòng Bằng sáng chế và nhãn hiệu thương mại nhà nước Mỹ, cho biết ông khá bất ngờ các mục tiêu tới năm 2015 của Trung Quốc.
Theo bản dịch của Văn phòng này, đến năm 2015, Trung Quốc phấn đấu có hai triệu bằng sáng cấp mới mỗi năm. Con số đó bao gồm số "bằng sáng chế mẫu nhỏ" (utility-model patent hay petty patent), thường về các đặc tính kỹ thuật trong sản phẩm và ít tham vọng hơn "bằng phát minh".
Trong hệ thống Mỹ không có bằng sáng chế mẫu nhỏ. Năm 2009 có khoảng 300.000 đơn đăng ký bằng sáng chế mẫu nhỏ tại Trung Quốc, gần bằng tổng số bằng phát minh.
Trong những năm gần đây, số hồ sơ xin cấp bằng phát minh tăng nhanh hơn bằng sáng chế mẫu nhỏ. Nhưng ngay cả khi chỉ một nửa số đơn xin cấp bằng của Trung Quốc năm 2015 là bằng phát minh, thì kế hoạch nhà nước này vẫn cần một bước "nhảy vọt", tới một triệu chiếc, vào năm 2015.
Ngược lại, theo Văn phòng Bằng sáng chế và nhãn hiệu thương mại nhà nước Mỹ, trong thời gian 12 tháng tính tới tháng 9/2010 số đơn xin cấp bằng sáng chế tại Mỹ là hơn 480.000.
Số bằng sáng chế của Trung Quốc gia tăng trông thấy trong những năm qua. Tháng 10, hãng tin Thomson Reuters xuất bản một báo cáo, dự đoán Trung Quốc sẽ vượt qua Mỹ về số bằng sáng chế cấp mới trong năm 2011.
Bob Stembridge, nhà phân tích sở hữu trí tuệ tại Thomson Reuters, nhận xét: "Điều này đang diễn ra thậm chí còn nhanh hơn chúng ta dự đoán".
Tuy nhiên, dù xu hướng này là điều ắt phải đến, nhưng tham vọng của Trung Quốc lại khiến không ít người phải ngạc nhiên. Đơn cử, trong tài liệu nêu rõ, Trung Quốc muốn tăng khoảng gấp đôi số thẩm định viên sáng chế (patent examiner) lên 9.000 người vào năm 2015. (Mỹ hiện có 6.300 thẩm định viên sáng chế).
Trung Quốc cũng muốn tăng gấp đôi số bằng sáng chế mà công dân và các công ty nước này xin cấp tại các quốc gia khác. Kappos cho biết, các trường hợp xin cấp bằng sáng chế của người Trung Quốc tại Mỹ, chủ yếu trong các lĩnh vực Trung Quốc tuyên bố dành ưu tiên chiến lược: bao gồm năng lượng mặt trời và năng lượng sức gió, công nghệ thông tin và truyền thông, pin và công nghệ chế tạo cho ngành sản xuất ôtô.
Để nâng số lượng bằng sáng chế, Trung Quốc đã đưa ra một loạt các ưu đãi, bao gồm thưởng tiền mặt, nhà ở tốt hơn cho các cá nhân nộp đơn xin cấp bằng sáng chế, giảm thuế cho các công ty có nhiều bằng sáng chế.
Kappos nói: "Giới lãnh đạo Trung Quốc biết đổi mới là tương lai của nước này, là chìa khóa dẫn tới mức sống và tăng trưởng dài hạn cao hơn. Họ đang làm mọi thứ có thể để thúc đẩy đổi mới, và chiến lược bằng sáng chế của Trung Quốc là một phần trong kế hoạch lớn hơn".
Chiến lược của Trung Quốc được nhà nước chỉ đạo và tài trợ. Liệu đó, cùng với vấn đề thương mại, có gây quan ngại đối với Mỹ? Hay kế hoạch đó sẽ giống như cách làm trước nay của các chính phủ khác nhằm tạo cho các công ty nước mình một lợi thế khi cạnh tranh trên toàn cầu?
Những năm 1980, chính phủ Nhật Bản thường được coi là bậc thầy về chính sách ngành, và các công ty Nhật tưởng như chắc chẵn sẽ vượt qua Mỹ, từng ngành một, trong đó có cả công nghệ máy tính.
Tuy nhiên, quan trọng hơn là Nhật Bản chưa bao giờ trở thành một thế lực trong lĩnh vực đặc biệt cần nhiều sáng tạo của điện toán: viết phần mềm. Có vẻ như Nhật Bản, trên phương diện là một xã hội, đã không có đủ kỹ năng sáng tạo đó, dù là nơi có rất nhiều bằng sáng chế.
Sẽ hơi quá nếu gọi chính sách ngành của Nhật Bản là một thất bại toàn diện. Ở một số ngành - như ôtô, công cụ máy và đồ điện tử dân dụng - nước này đã và đang rất thành công.
Clyde V. Prestowitz Jr, chủ tịch Viện chiến lược kinh tế và nguyên là nhà đàm phán thương mại Mỹ, nhận xét: "Họ (Nhật Bản) vẫn đang trong cuộc chơi trong những ngành này và thậm chí còn đang rất mạnh - trong khi chúng ta (Mỹ) thì không".
Tuy nhiên, chính sách của chính phủ có vai trò ra sao trong những thành công này vẫn là vấn đề còn tranh cãi.
Tư liệu chiến lược bằng sáng chế của Trung Quốc chứa đầy các số liệu liên quan tới mục tiêu về số bằng sáng chế trên mỗi triệu dân. Văn bản đề cập tới "tinh thần" đổi mới theo số lượng, như cách một sinh viên so sánh kiến thức bằng điểm số trong các bài thi tiêu chuẩn.
John Kao, cố vấn về đổi mới của nhiều chính phủ và doanh nghiệp, phát biểu: "Đó là phương pháp vét cạn (brute-force) ở thời điểm này, nhấn mạnh số lượng hơn là chất lượng của các tài sản đổi mới".
Nhưng sẽ là sai lầm nếu cho rằng Trung Quốc sẽ nhất thiết phải theo con đường tương tự như Nhật Bản. Ông nói, Trung Quốc không chỉ lớn hơn Nhật rất nhiều, mà còn có một xã hội mà các cá nhân ưa kinh doanh hơn.
Một ngày nào đó, ông dự đoán, Trung Quốc sẽ có các doanh nhân chẳng kém Steven P. Jobs và Mark Zuckerberg.
Dù vậy, bất chấp sự trỗi dậy khó cưỡng lại của Trung Quốc, Kao vẫn cho rằng, Mỹ đang có lợi thế so sánh bởi đây là nước cởi mở nhất với đổi mới. "Văn hóa Mỹ, hơn bất cứ thứ văn hóa nào khác, tha thứ cho những thất bại, biết chịu đựng rủi ro và chấp nhận sự bất ổn".
Ông nói, nhiều sản phẩm và công nghệ sáng tạo sẽ được phát minh ở đâu đó. Nhưng tương lai của nước Mỹ sẽ nằm ở việc thống nhất hệ thống lại quá trình đổi mới. "Hãy nhìn xem thung lũng Silicon. Đó là nơi những con người thông minh từ tất cả các quốc gia, ngôn ngữ và nhóm sắc tộc đến với nhau. Đó là kinh đô của dây truyền sáng tạo". 



----------------------------------------------------------------------------------------------
TRITRI.org - SÁNG TẠO ĐỔI MỚI
Thích ứng thay đổi * Chủ động sáng tạo * Dẫn dắt thành công
BÀI GIẢNG sáng tạo: bộ cũ link                 BÀI VIẾT sáng tạo: link

BÀI GIẢNG sáng tạo: bộ mới link             HÌNH ẢNH sáng tạo: link

{ 0 nhận xét... read them below or add one }

Đăng nhận xét