Đổi mới không phải là sáng tạo

Người đăng: chia se dam me on Thứ Sáu, 8 tháng 2, 2013

sangtaodoimoi.blogspot.com dẫn từ nguồn http://vef.vn/2010-08-28-doi-moi-khong-phai-la-sang-tao
Nghĩ ra ý tưởng sáng tạo dễ hơn nhiều so với việc thực thi đổi mới theo ý tưởng đó.
Bài viết bằng tiếng Anh, có tựa "Innovation is Not Creativity," đăng vào ngày 3 tháng 8 năm 2010, trên tạp chí Harvard Business Review. Tác giả bài viết, Vijay Govindarajan, là Giáo sư chương trình Earl C. Daum 1924 của khoa Thương mại Quốc tế tại trường Tuck School of Business ở Dartmouth.
Tôi cùng đồng nghiệp của mình là Chris Trimble đã tiến hành một cuộc thăm dò ý kiến, đề nghị hàng trăm nhà quản lý định nghĩa thế nào là sự cách tân hay đổi mới. Các nhà quản lý đều có kiểu quan niệm đánh đồng sự đổi mới với sự sáng tạo. Tuy nhiên, đổi mới không phải là sáng tạo. Hoạt động sáng tạo liên quan đến việc sản sinh hay cho ra đời ý tưởng lớn; còn hoạt động đổi mới thì lại liên quan đến chuyện bắt tay vào việc thực hiện ý tưởng - biến ý tưởng thành một công cuộc kinh doanh thành công.
Chúng tôi thích coi năng lực đổi mới của một tổ chức như là hoạt động sáng tạo được nhân lên bội phần nhờ được triển khai thực hiện. Chúng tôi dùng từ "nhân lên" hơn là từ "cộng vào" bởi nếu không có ý tưởng sáng tạo hoặc không có việc triển khai thực hiện ý tưởng sáng tạo ấy, cũng sẽ không có luôn cái gọi là năng lực đổi mới.
 
Một ý tưởng sáng tạo thôi dù vĩ đại đến đâu cũng chưa bao giờ đủ.
Chris và tôi đã dành ra quãng thời gian mười năm vừa qua để nghiên cứu một vấn đề như sau: Đâu là các cách làm tối ưu nhất để thực hiện một sáng kiến đổi mới? Cuốn sách "Mặt khác của Sáng tạo: Giải quyết các thách thức thực thi " của hai chúng tôi là kết quả của nỗ lực đó.
Đây là lý do chúng tôi muốn nhấn mạnh đến hành động thực hiện, khác với hành động sáng tạo: Chúng tôi đã khảo sát ý kiến của hàng ngàn nhà quản lý thuộc các công ty có tên trong tạp chí Fortune 500, đề nghị họ xếp hạng các kỹ năng đổi mới của công ty mình dựa theo thang điểm từ 1 đến 10. Những người tham gia cuộc khảo sát này hầu hết tin rằng công ty của họ mạnh về khả năng cho ra đời các ý tưởng (điểm trung bình là 6) hơn là khả năng họ thương mại hóa các ý tưởng ấy (điểm trung bình là 1).
Vậy điều gì sẽ mang lại hiệu quả hơn - tăng điểm số về hoạt động sáng tạo (vốn đã tốt) của bạn từ 6 lên 8 điểm, hay nâng điểm số về hoạt động thực hiện (vốn đã rất tệ) của bạn từ 1 lên 3 điểm? Dưới đây là phép toán bạn có thể thử thực hiện nhanh chóng bằng tay, trong đó, ta lấy sự sáng tạo nhân với sự thực hiện:
Khả năng đổi mới: 6 x 1 = 6
Khả năng đổi mới, khi gia tăng điểm số về sự sáng tạo = 8 x 1 = 8
Khả năng đổi mới, khi gia tăng điểm số về sự thực hiện = 6 x 3 = 18
Không còn nghi ngờ gì nữa. Các công ty thường có xu hướng chú trọng nhiều hơn vào việc tìm cách cải thiện đầu vào của tiến trình đổi mới, tức là hoạt động sáng tạo. Tuy nhiên, lực đòn bẩy thực sự lại nằm ở đầu ra.
Các ý tưởng sẽ chỉ đưa bạn tiến đến một hạn độ nào đó mà thôi. Hãy thử xem xét trường hợp một số công ty đã phải vật lộn thế nào ngay cả sau khi một đối thủ cạnh tranh của họ bước vào thị trường và đưa ra một ý tưởng lớn mà ai ai cũng đã thấy rõ rành rành. Hãng Xerox có đứng không vững bởi không có ai ở hãng này nhận ra rằng trước đó hãng Canon đã cho ra đời loại máy sao chụp (photocopy) cá nhân hay không? Hãng Kodak có thất thế bởi họ không nhìn thấy công nghệ chụp ảnh số chào đời? Hãng Sears có đi đến ngày tàn bởi vì họ không hề biết gì về hình thức bán lẻ giảm giá theo kiểu giá-thấp-mỗi-ngày hay không?
Ở trường hợp nào cũng thế, các ý tưởng bao giờ cũng có đó. Cái còn đang thiếu chính là việc triển khai thực hiện các ý tưởng kia. Trên thực tế, chúng tôi nhận thấy rằng các sáng kiến đổi mới thường gặp phải nhiều trắc trở cam go nhất sau khi chúng hé lộ cho thấy thành công, bắt đầu tiêu tốn các nguồn lực có giá trị quan trọng, và xung đột với tổ chức hiện hành ở nhiều mức độ khác nhau - tức là, một thời gian dài sau giai đoạn sản sinh ý tưởng.
Dường như các nhà quản lý luôn lấy làm say mê với việc Săn tìm Ý tưởng Lớn. Sở dĩ như thế là vì ba nguyên do: trước hết, việc cho ra đời một ý tưởng không gây ra mối xung đột căng thẳng với các hoạt động kinh doanh cốt yếu của công ty; kế đến, việc hình thành ý tưởng làm gợi lên niềm say mê, ham thích, trong khi việc thực hiện ý tưởng lại mang tính dài hơi và gây chán nản; cuối cùng, các công ty thường nghĩ rằng mình đang làm tốt công tác hiện thực hóa các ý tưởng.
Tuy nhiên, tổng quát mà nói, các công ty ấy thường giỏi việc thực hiện các hoạt động kinh doanh cốt yếu của họ mà thôi; nhưng các khả năng đó đôi khi lại không có lợi với tiến trình đổi mới.
Thomas Edison, nhà cải cách vĩ đại nhất mọi thời đại, đã diễn tả rất hay như sau: "Sự đổi mới = 1% hứng khởi + 99% mồ hôi."
Hãy thử suy nghĩ về việc tổ chức của bạn đã dành biết bao nhiêu thì giờ để tìm kiếm những ý nghĩ gây hứng khởi, trong khi đó lại ít để ý gì đến việc phải đổ mồ hôi. Đâu là các thứ rào cản trong việc bạn hiện thực hóa các ý tưởng của mình? Bạn nỗ lực thế nào để vượt qua được các rào cản ấy?



----------------------------------------------------------------------------------------------
TRITRI.org - SÁNG TẠO ĐỔI MỚI
Thích ứng thay đổi * Chủ động sáng tạo * Dẫn dắt thành công
BÀI GIẢNG sáng tạo: bộ cũ link                 BÀI VIẾT sáng tạo: link
BÀI GIẢNG sáng tạo: bộ mới link             HÌNH ẢNH sáng tạo: link

{ 0 nhận xét... read them below or add one }

Đăng nhận xét