Đổi mới sáng tạo: Liệu pháp cho chuỗi cung ứng nông sản Việt

Người đăng: chia se dam me on Chủ Nhật, 24 tháng 2, 2013

sangtaodoimoi.blogspot.com dẫn từ nguồn http://supplychaininsight.vn/home/supply-chain/plan1872339724/item/677-%C4%91%E1%BB%95i-m%E1%BB%9Bi-s%C3%A1ng-t%E1%BA%A1o-li%E1%BB%87u-ph%C3%A1p-cho-chu%E1%BB%97i-cung-%E1%BB%A9ng-n%C3%B4ng-s%E1%BA%A3n-vi%E1%BB%87t.html
Do mở rộng theo chiều dọc của chuỗi giá trị nên các đại gia bán lẻ/siêu thị ngày càng tiến tới gần hơn, tiếp cận được nhiều hơn đến việc sản xuất-chế biến nông sản, thực phẩm. Họ từ người bán lẻ trở thành nhà sản xuất toàn cầu, tự mình đặt hàng, mua hàng và đóng vai trò ngày càng quan trọng trong toàn bộ chuỗi cung ứng toàn cầu và trở thành các “người giữ cửa”, định đoạt việc tham gia vào các thị trường khu vực và thế giới.
Từ cuối thế kỷ 20, phương pháp Chuỗi Cung Ứng (CCƯ) trở thành bắt buộc đối với mọi nhà nước, công ty, tổ chức và cả cá nhân nếu muốn tồn tại và phát triển trong “toàn cầu hóa” và kỷ nguyên công nghệ. Việt Nam là nước nông nghiệp truyền thống. Đây là thế mạnh, nhưng cũng là điểm yếu nếu ta tưởng rằng đã biết quá rõ về nông nghiệp và không thấy cái cần phải học thêm, phải thay đổi gì nữa. Hàng ngàn năm phát triển nông nghiệp đã tạo ra bao “lối mòn” tư duy, quan niệm, cơ sở hạ tầng, cách sản xuất - kinh doanh, thị hiếu ẩm thực,… mà có thể đã trở nên không còn phù hợp. Sự yếu kém của CCƯ Việt, đặc biệt trong nông sản - thực phẩm, đòi hỏi phải Đổi mới - Sáng tạo (ĐMST). Quá trình “CCƯ hóa”, trong nước và với bên ngoài, thực chất là Công - Nghiệp - Hóa ngành Nông - Nghiệp thông qua Công - Nghệ và trong bối cảnh toàn cầu hóa.
Toàn cảnh ngành nông sản-thực phẩm thế giới
Chuỗi giá trị (CGT) toàn cầu về nông sản bị tác động mạnh của một số nhà sản xuất với giá thành thấp của Bắc Mỹ vào cuối thế kỷ 20, đầu thế kỷ 21, thể hiện ở một số điểm sau:
Thứ nhất, thị trường tập trung mạnh vào tay một số nhà sản xuất lớn ở hầu hết các lĩnh vực nông nghiệp. Đến 2004, bốn công ty chế biến thịt bò lớn nhất (Tyson, Cargill, Swift & Co và Farmland National Beef) chiếm tới 81% thị phần; bốn công ty chế biến thịt lợn lớn nhất (Smithfield, Tyson, ConAgra và Cargill) chiếm tới 59% thị phần; và bốn công ty chế biến thịt gà lớn nhất (Tyson Foods, Gold Kist, Pillgrim’s Pride và ConAgra) chiếm tới 50% thị phần.
Thứ hai, xuất hiện các tập đoàn đa quốc gia trong nông nghiệp và chế biến thức ăn với độ tích hợp cao về cả chiều dọc (vertical integration) và ngang (horizontal integration) của chuỗi giá trị. Bốn công ty chế biến lúa mì lớn nhất chiếm tới 61% thị phần và bốn công ty chế biến đậu nành lớn nhất chiếm tới 80% thị phần.
Nhờ tập trung thị phần cao độ nên các tập đoàn đa quốc gia về công nghiệp chế biến nông sản có thể hạ thấp chi phí cho việc mua nguyên liệu và các yếu tố đầu vào. Trong bối cảnh đó, người nông dân châu Á chỉ có thể cạnh tranh trên một số thị trường ngách (niche market). Tuy nhiên điều này cũng không kéo dài bởi vì Hiệp Định Thương Mại Khu Vực Bắc Mỹ (NAFTA) sẽ được mở rộng để bao gồm cả châu Á, Trung Mỹ và Caribê.
Với tự do hóa thương mại, các đại gia bán lẻ thực phẩm/siêu thị phát triển rất nhanh, cạnh tranh với nhau, làm thay đổi thị trường nông sản thực phẩm thế giới, bao gồm cả thực phẩm qua chế biến và thực phẩm tươi sống. Điều này tác động mạnh vào các nhà chế biến nhỏ lẻ, người nông dân các nước nghèo. Thị phần của 5 công ty lớn nhất của Mỹ (Walmart, Kroger, Albertson’s, Safeway và Ahold USA) tăng mạnh từ 24% vào 1997 lên 42% vào 2000 và 54% vào 2003. Tập đoàn Carrefour sáp nhập với Promodes để cạnh tranh với Walmart. Carrefour là tập đoàn bán lẻ lớn thứ 2 ở Brazil và lớn nhất ở Argentina và Trung Quốc. Tương tự như vậy là Ahold ở Hà Lan và Tesco ở Anh. Walmart là nhà bán lẻ lớn thứ 3 ở Đức, Anh và lớn thứ 2 ở Trung Quốc. Theo dự đoán của Readon và Hopkins, thị phần của các siêu thị tại Trung Quốc sẽ tăng từ 10 - 12% vào 2002 lên 50% vào 2012.
Đặc điểm phát triển của các tập đoàn lớn trong sản xuất-kinh doanh nông sản-thực phẩm là sự mở rộng cả về chiều dọc và chiều ngang của chuỗi giá trị. Về chiều dọc chuỗi giá trị, các đại gia này làm thêm các công đoạn mà trước họ không làm, như từ nhà sản xuất-chế biến nay lại làm thêm cả kinh doanh. Về chiều ngang, họ mở rộng phạm vi hoạt động thông qua việc mua lại, sáp nhập (M&A), liên doanh,… với các công ty bản địa.
Trung Quốc trở thành siêu cường về kinh tế tác động mạnh vào bàn cờ kinh tế cũng như bức tranh ngành nông sản thực phẩm của châu Á, đặc biệt đối với các nước Đông Nam Á. Đặc biệt, Trung Quốc là một trong số ít nước đã chính thức đưa ra chiến lược quốc gia về quản lý CCƯ và mạng lưới thương mại. Điều này chắc chắn sẽ tác động trực tiếp, tạo ra những khó khăn và cả thuận lợi, cho các ngành kinh tế và các người nông dân các nước Đông Nam Á.
Hệ lụy đối với nhà sản xuất nhỏ và nông dân
Do mở rộng theo chiều dọc của chuỗi giá trị nên các đại gia bán lẻ/siêu thị ngày càng tiến tới gần hơn, tiếp cận được nhiều hơn với việc sản xuất - chế biến nông sản, thực phẩm. Họ từ người bán lẻ trở thành nhà sản xuất toàn cầu, tự mình đặt hàng, mua hàng và đóng vai trò ngày càng quan trọng trong toàn bộ CCƯ toàn cầu. Các nhà bán lẻ/siêu thị trở thành các “người giữ cửa”, định đoạt việc tham gia vào các thị trường khu vực và thế giới. Họ thường qua mặt các nhà bán sỉ để làm việc trực tiếp với người nông dân, nhà sản xuất nhỏ. Họ thường chỉ sử dụng một số rất ít nhà cung ứng cấp 1 quen thuộc, đáp ứng được các tiêu chuẩn cao và rất chuyên biệt của họ. Họ luôn nâng cao khả năng kiểm soát đối với sản phẩm (ví dụ chất lượng), đối với thông tin (ví dụ khả năng theo dõi sản phẩm trong suốt CCƯ). Qua đó, họ áp dụng các mô hình trong công nghiệp hiện đại vào nông nghiệp như hệ thống sản xuất theo thời gian thực (just-in-time) và hệ thống quản lý chất lượng tổng thể (total quality management). 
Các đại gia bán lẻ/siêu thị thường quyết định các vấn đề quan trọng sau trong CCƯ toàn cầu:
-    Về sản phẩm
-    Tiếp cận thị trường (cho phép nhà sản xuất/cung ứng nào được tham gia CCƯ)
-    Phân bố các hoạt động công đoạn cho các công ty tham gia CCƯ (Carrefour phân công công việc cho các bên tham gia CCƯ như: nuôi trồng, chế biến sau thu hoạch, vận tải - hậu cần, tiếp thị - cải tiến)
-    Kiểm tra, theo dõi hoạt động của CCƯ (yêu cầu nhà xuất khẩu/cung ứng cấp 1 phải bảo đảm người sản xuất phải tuân theo các tiêu chuẩn ngày càng cao về y tế, môi trường, nhân quyền,… thông qua kiểm tra đột xuất hay thuê khoán bên ngoài để kiểm soát).
Các tập đoàn bán lẻ lớn ngày càng có khả năng áp đặt các điều kiện đối với các công ty nhỏ và vừa trong sản xuất, chế biến và kinh doanh, bán lẻ nông sản và ngày càng gây áp lực, nâng cao yêu cầu, tác động trực tiếp vào người nông dân.
Trong chuỗi giá trị, đã có sự chuyển dịch quyền lực từ các nhà sản xuất như Nestle sang các đại gia bán lẻ/siêu thị như Carrefour. Ở vùng nông thôn và nơi khó khăn, các công ty nhỏ và nông dân khó tồn tại nổi vì không đáp ứng được các yêu cầu của các tập đoàn bán lẻ/siêu thị.
Rau quả tươi là lĩnh vực cạnh tranh cốt lõi của các nhà bán lẻ và siêu thị lớn. Đây là mặt hàng được dùng nhiều, thường xuyên và người mua thường hay thay đổi nơi mua để đáp ứng yêu cầu của họ. Bên cạnh giá cả (là quan trọng và luôn tác động đến lợi nhuận của các bên tham gia CCƯ) còn nhiều các yếu tố khác mà các nhà bán lẻ/siêu thị lớn có ưu thế vượt trội so với nhà sản xuất nhỏ và nông dân. Các yếu tố này là:
-    Chất lượng ổn định (phụ thuộc chủ yếu vào khâu kiểm tra chất lượng, công nghệ kho vận)
-    Nguồn cung ổn định, khả năng có hàng quanh năm không phụ thuộc mùa vụ (phụ thuộc hiệu quả của nhà sản xuất, hệ thống hậu cần)
-    Giá thành (càng ít nhà cung ứng và nhà cung ứng càng lớn thì càng rẻ);
-    Sự đa dạng, các đổi mới-cải tiến sản phẩm (Đa dạng hóa các món chế biến, bao bì, đóng gói, mẫu mã,…)
-    An toàn thực phẩm (tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm và quy định dư lượng hóa chất, phân bón mà các siêu thị dùng công nghệ và các hệ thống để kiểm soát từ nơi nuôi trồng đến tận quầy bán)
-    Ý thức trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp.
Hậu quả tất yếu là việc các nhà bán lẻ/siêu thị lớn ngày càng nâng cao yêu cầu đối với các người sản xuất và sử dụng nhiều công nghệ hiện đại.
Đổi mới-Sáng tạo cho chuỗi cung ứng nông sản Việt
Tính cạnh tranh thấp, sự đổ vỡ của CCƯ nông sản Việt, thua lỗ của công ty chế biến nông sản và nông dân, sự chiếm lĩnh thị trường của các đại gia bán lẻ/siêu thị ngoại ở Việt Nam, giá thành cao của nhà sản xuất Việt, nông dân bán nông sản cho thương lái nước ngoài mà không cho nhà chế biến Việt,… cho thấy đây không phải lỗi của nhà sản xuất riêng lẻ, người nông dân mà chủ yếu là lỗi mang tính hệ thống, của quản lý, của nhà hoạch định.
Phải Đổi mới - Sáng tạo (ĐMST), tái cấu trúc sâu sắc mới có thể cạnh tranh và trụ lại trong ngành. Có thể xem xét một số ĐMST sau.
Thứ nhất, cần đưa cơ chế thị trường làm cơ sở cho tất cả các mối liên kết, các quan hệ trong ngành nông sản, thực phẩm. Từ bỏ các cơ chế, mối quan hệ phi thị trường do con người đặt ra. Đây là điều rất quan trọng vì có như vậy, các ĐMST, đầu tư công nghệ,… mới có hiệu quả. Trên mảnh đất đúng của nó, thì cây mới bắt rễ, các mối liên kết trong sản xuất - kinh doanh sẽ tự nảy sinh, tự hình thành các cấu trúc đúng như nó cần, tự điều chỉnh, điều tiết… để sống được, để tiếp tục ĐMST.
Thứ hai, phải chú ý đến điều kiện bên ngoài nhiều hơn là theo ý chí của mình. Càng nhỏ yếu, càng phải thích nghi, đáp ứng với bên ngoài. Chúng ta hoạch định theo ý muốn chủ quan quá nhiều, trong khi các lựa chọn trong thực tế rất hạn hẹp. Chỉ tập trung vào cái chúng ta làm được (và được làm) thì sẽ tránh phung phí nguồn lực, thời gian. Không làm cái mà chúng ta nhất định không làm được. Ngoài ra, nhận biết bên ngoài, biết các xu hướng, quy luật thì mới hòa vào các CCƯ bên ngoài được.
Thứ ba, cần thay đổi cách nhìn về nông nghiệp. Như trên đã phân tích, làm nông nghiệp ngày nay phải cần công nghệ, cần hoạch định với tính chuyên nghiệp cao như trong công nghiệp. Các nhà bán lẻ/siêu thị lớn trong CCƯ nông sản thực phẩm là các nhà kinh doanh - công nghệ, những nhà ĐMST, chứ không nhất thiết phải là nhà nông. Họ ứng dụng rất nhiều công nghệ, kể cả công nghệ “cứng” và “mềm” như công nghệ quản lý, công nghệ kinh doanh,… mà ta rất kém. Có đất đai, có tài nguyên trời phú… thì có thể thành nhà sản xuất, nhà cung ứng, nhưng để tham gia vào CCƯ hay thành chủ các CCƯ thì cần rất nhiều kỹ năng chuyên môn bài bản khác. Đây thực chất là chương trình Công Nghiệp Hóa Nông Nghiệp (và cả Công Nghiệp Thực Phẩm cho đến Kinh Doanh Nông Sản Thực Phẩm,…) trong bối cảnh toàn cầu hóa.
Thứ tư, nên hoạch định để chia ngành nông nghiệp, chế biến-kinh doanh nông sản,… thành hai phần. Một là: để hòa vào CCƯ bên ngoài, tức là trở thành nhà cung ứng cho họ; Hai là: thiết lập một số CCƯ Việt mà ta có thế mạnh. Cả hai việc hoạch định này đều mang tính chuyên môn và tính đa ngành (hay liên ngành) rất cao. Kỹ năng để hòa vào CCƯ bên ngoài và kỹ năng thiết lập, làm chủ CCƯ khác hẳn nhau mà ta còn kém. Nên hợp tác, thuê khoán công ty tư vấn kỹ thuật chuyên về vấn đề này. Đây thực chất là quá trình chuyên môn hóa cao trong ngành nông nghiệp và các ngành liên quan. 
Thứ năm, đây cũng là yêu cầu “bắt” ta phải tái cấu trúc ngành nông nghiệp-nông sản để “cứu” nông dân, người sản xuất nhỏ. Nhưng nếu nhìn một cách tích cực, đây cũng là cơ hội cho việc tái cấu trúc nền Kinh - Tế một cách bài bản, để chuyển đổi từ chuỗi giá trị nông nghiệp sang các chuỗi giá trị có giá trị gia tăng cao hơn. Cũng như nhân việc phải sửa chữa nhỏ thì “đại tu” lại nhà luôn. Việc chuyển dịch cơ cấu lên các chuỗi giá trị cao hơn rõ ràng có lợi. Tuy nhiên, để làm được cần hoạch định rõ và căn cứ nhiều yếu tố như sự đồng thuận, tính chuyên môn (đặc biệt về công nghệ, quy trình), khả năng điều hành (đặc biệt liên ngành, đa lĩnh vực),…
Thứ sáu, có thể xem xét một số ĐMST cụ thể sau:
-    Cải tiến, nâng cấp cơ sở hạ tầng; Thiết lập các kênh mới, nhỏ từ nuôi trồng, chế biến, đến phân phối, thương mại,... Trong đó, chú ý các bên tham gia hợp đồng với nhau, với cơ chế thị trường chứ không bằng quan hệ, mệnh lệnh, giao nhiệm vụ. Đây là kỹ năng Phát - Triển - Vùng và thiết lập các chùm, cụm kinh tế
-    Đưa ngân hàng, nhà tín dụng, nhà đầu tư,…vào tham gia CCƯ có như vậy người sản xuất nhỏ mới vay được vốn
-    Giải quyết triệt để, rõ ràng, với văn bản theo thông lệ quốc tế, vấn đề sở hữu hay quyền sử dụng đất vì có như vậy mới dễ hòa vào các CCƯ bên ngoài. Ngoài ra, việc lập CCƯ, thực hiện các đầu tư công nghệ, ĐMST gắn chặt với việc coi đất là tài sản (asset) và phải được pháp quy hóa
-    Nghiên cứu các sản phẩm mới (đặc biệt sản phẩm biến đổi gene), các tiêu chuẩn về an toàn thực phẩm, môi trường, thị hiếu người tiêu dùng… để xác định các thị trường ngách bên ngoài và phát triển thị trường trong nước.
-    Đào tạo, huấn luyện cho nhà sản xuất nhỏ, người nông dân.
-    Thiết lập các liên minh trong ngành, ví dụ: nhà đầu tư, ngân hàng, CCƯ bên ngoài, nhà sản xuất, phân phối, bán lẻ, khách hàng, nhà khoa học - công nghệ,... Qua đó, các bên tham gia biết phải liên kết với ai, biết kinh nghiệm nước ngoài, biết cách tìm và tra cứu kiến thức - thông tin, bạn hàng, nhà cung ứng,…



----------------------------------------------------------------------------------------------
TRITRI.org - SÁNG TẠO ĐỔI MỚI
Thích ứng thay đổi * Chủ động sáng tạo * Dẫn dắt thành công
BÀI GIẢNG sáng tạo: bộ cũ link                 BÀI VIẾT sáng tạo: link
BÀI GIẢNG sáng tạo: bộ mới link             HÌNH ẢNH sáng tạo: link

{ 0 nhận xét... read them below or add one }

Đăng nhận xét