Quốc gia khởi nghiệp Israel: Chương 12-13-14

Người đăng: chia se dam me on Thứ Tư, 5 tháng 12, 2012

sangtaodoimoi.blogspot.com dẫn từ nguồn www.opeconomica.com


Phần IV: Động cơ của Đất nước
Chương 12: Từ đầu chóp quả tên lửa đến thiết bị y khoa
Quân đội Israel, nhất là binh chủng Không quân, được đào tạo theo dạng “đa nhiệm”: chiếc máy bay chiến đấu của Israel có thể coi là chiếc xe jeep vượt địa hình (off-road), hoạt động trong nhiều điều kiện khác nhau.
Hãy so sánh: Không lực Hoa Kỳ thường sử dụng 4 “làn sóng” chuyên biệt trong khi  tác chiến. Đó là một máy bay trinh sát đi trước mở đường, chỉ báo các máy bay của đối phương,các máy bay nhóm 2 có nhiệm vụ dọn dẹp hệ thống phòng không từ dưới mặt đất của đối phương: bắn hạ, phá hủy các dàn phóng tên lửa đất đối không, súng phòng không …, các máy bay điện tử để tiếp liệu, quan sát bằng radar và cung cấp bức tranh toàn cảnh trận chiến và làn sóng sau cùng là những chiếc máy bay mang bom.
Người Mỹ không muốn có bất trắc, không thích có bất ngờ diễn ra với Không lực của họ. Yêu cầu lớn nhất đối với mô hình này là: tính kỷ luật, chính xác trong khâu điều phối.
Người Israel không làm được như thế này: họ không đủ nguồn lực; mà cho dù có đủ nguồn lực đi nữa thì đặc trưng con người Israel cũng không cho phép thiết kế mô hình tác chiến trên bầu trời theo kiểu Hoa Kỳ. Quân nhân Israel không có đủ kỷ luật để bay theo đội hình 4 “làn sóng” vừa nêu. Quan trọng hơn, phi công chiến đấu Israel được đào tạo nhiều kỹ năng khác nhau, và nhận nhiềm nhiệm vụ cùng lúc.
Hầu như máy bay nào của Israel cũng mang theo bom. Phi công nào cũng được đào tạo nhiều kỹ thuật: ném bom oanh tạc, né tránh radar, tham gia các cuộc không chiến trước đội hình máy bay của đối thủ, tiêu diệt các mục tiêu quân sự dưới mặt đất …
Trong Không lực Israel, có một nhà khoa học chuyên trách tên lửa: Gavriel Iddan. Anh nghiên cứu các thiết bị quang học gắn trên đầu chóp tên lửa, sao cho tên lửa “nhìn thấy” được mục tiêu. Sau khi rời quân ngũ, anh xây dựng nên một ý tưởng mới, phát xuất từ quá trình phục vụ quân đội: thiết kế một camera nhỏ, đặt trong một viên thuốc để đưa vào trong cơ thể bệnh nhân, từ đó người ta có thể ghi lại những hình ảnh hoạt động trong nội tạng người. Ban đầu, các nhà khoa học không chấp nhận ý tưởng này: làm sao mà có thể tích hợp được 1 camera, một bộ nguồn, đèn chiếu sáng, thiết bị truyền  dẫn hình ảnh ra ngoài … chỉ vào trong 1 viên thuốc? Nhưng Iddan vẫn nhất quyết thực hiện, anh tự xây dựng doanh nghiệp nhỏ cho mình với cái tên Given Imaging năm 1998.
Sản phẩm thiết kế thành công, công ty Given Imaging trở thành công ty đại chúng, của nước ngoài đầu tiên thông qua Wall Street trong năm 2001. Năm 2004, công ty bán được 100,000 chiếc PillCam (camera nhỏ đặt trong viên thuốc). Đến 2007 thì số lượng hàng bán đã lên đến 700,000.
Câu chuyện này không những chỉ muốn minh chứng sự liên kết giữa khoa học quân sự và kỹ thuật ứng dụng trong đời sống dân sự Israel. Nó còn cho thấy khả năng kết hợp nhiều kiến thức thuộc các lĩnh vực ngành nghề của Israel, điển hình là chiếc camera nói trên: quang học, ống kính, điện tử, hệ thống truyền dẫn tín hiệu không dây, phần mềm máy tính…. Tất cả có trong chiếc PillCam, giúp bác sĩ chẩn đoán tốt hơn.
Trên đây chỉ là 1 trong vô số minh chứng cho thấy khả năng kết hợp nhiều bộ môn khoa học, chuyển đổi các ứng dụng quân sự thành dân dụng của người Israel. Thường thấy nhiều nhất là các thành tựu trong y khoa. Loại hình doanh nghiệp vẫn là doanh nghiệp nhỏ, với các sáng lập viên thường là các cựu quân nhân từng phục vụ trong các binh chủng ưu tú của quân lực Israel.
Ruti Alon, một doanh nhân Israel cho biết: bí quyết thành công của anh là kết hợp nhiều bộ môn trong khi kinh doanh. Anh được đào tạo làm kỹ sư hàng không và điện tử, phục vụ cho Không quân Israel, nhưng anh còn mày mò học thêm Vật Lý, Y Khoa,… Kết quả sau nhiều năm nghiên cứu là một miếng dán dành cho các bệnh nhân tiểu đường, được bán ra thị trường thông qua doanh nghiệp của anh có tên là Beta O2.
Có thể coi sự kết hợp nhiều môn khoa  học, liên hệ giữa các ứng dụng quân sự với dân sự là nét văn hóa đặc trưng của Israel, khiến dân tộc này ngày càng có năng lực cải tiến lớn hơn.
Phần IV: Động cơ của Đất nước
Chương 13: Giáo dục và Đào tạo
Tương lai của đất nước sẽ phụ thuộc vào việc chúng ta giáo dục thế hệ trẻ để họ biết cách đi ra ngoài và tạo dựng các doanh nghiệp – Fadi Ghandour.
Erel Margalit không có kiến thức nền tảng, không được đào tạo bài bản về loại hình vốn đầu tư mạo hiểm. Anh sinh ra và lớn lên trong một Hợp tác xã nông nghiệp của Israel, sau đó gia nhập quân ngũ và chiến đấu trong cuộc chiến tranh Lebanon 2006. Giải ngũ, anh sang Hoa Kỳ theo học ngành Triết tại đại học Columbia, với luận văn “các nhà lãnh đạo mang tinh thần doanh nhân”. Luận văn này viết về các nhân vật lịch sử của Israel và nước ngoài có ảnh hưởng đến Israel, nhất là các nhà lãnh đạo đất nước nhưng được Margalit nhìn nhận và đánh giá dưới góc độ của các doanh nhân (chứ không chỉ là những nhà chính trị, quân sự đơn thuần.) Winston Churchill và David Ben-Gurion được đề cập nhiều trong quyển luận văn Tiến sĩ.
Đến năm 1993, Margalit khi đó đang làm việc tại văn phòng Thị trưởng Jerusalem đã nảy sinh một ý tưởng: thúc đẩy sự phát triển của các doanh nghiệp nhỏ trong thành phố này, đầu tiên bằng việc thu hút các nhân tài, giữ chân những người trẻ tuổi để họ không rời bỏ thành phố sang Tel Aviv (đây là trung tâm kinh doanh lớn nhất Israel, khá gần Jerusalem.) Anh tiến hành xây dựng Quỹ Đầu tư mạo hiểm Jerusalem, với số tiền vốn ban đầu được cấp phát theo Chương trình Yozma (đã trình bày ở các phần trước).
Ra đời năm 1994, Quỹ Jerusalem thu hút được hàng trăm triệu dollar từ sự tham gia của nhiều tập đoàn lớn, đa số là những đơn vị hoạt động trong lĩnh vực công nghệ cao, và một số trường đại học dang tiếng của Hoa Kỳ và Tây phương: France Telecom SA của Pháp, công ty Infineon của Đức, hãng  máy bay Boeing, hãng thông tấn Reuters, đại học Colombia, đại học MIT, luôn cả chính phủ Singapore… Anh dùng khoản quỹ này để hỗ trợ hàng chục doanh nghiệp nhỏ, mới thành lập khác, phần lớn thông qua hình thức IPO (phát hành cổ phiếu ra công chúng, lần đầu tiên) hoặc giúp cho các doanh nghiệp nước ngoài khác đến mua lại những công ty nhỏ của Israel.
Năm 2007, quỹ Jerusalem của anh đã được tạp chí Forbes xếp hạng thứ 69 trong số các quỹ đầu tư mạo hiểm tốt nhất trên toàn cầu. Rất nhiều người Mỹ biết đến cái tên Margalit.
Nhưng đóng góp của anh đối với đất nước Israel không chỉ dừng lại ở góc độ kinh doanh vốn đầu tư mạo hiểm như trên. Hầu hết số tiền thu được từ hoạt động của quỹ Jerusalem đều được Margalit đem sang triển khai vào Phòng Thí nghiệm Nghệ thuật Maabada – một tổ chức có mục đích làm hồi sinh hoạt động nghệ thuật nước nhà. Thông qua đơn vị này, Margalit muốn khai thác tối đa mối liên hệ giữa công nghệ và nghệ thuật, gắn bó những nhà khoa học với những người làm nghệ thuật theo một cách thức “độc nhất vô nhị” chưa từng có trên thế giới. Kế bên phòng chiếu phim phi lợi nhuận của Maabada, anh cho xây dựng một xưởng làm phim hoạt hình, để cạnh tranh với những tên tuổi hàng đầu thế giới hiện nay như Pixar chẳng hạn.
Jerusalem giờ trông có vẻ như nơi chốn mới nhất trong ngành điện ảnh có đẳng cấp quốc tế. Hình thức gắn kết khoa học và nghệ thuật của Margalit như trên là hình thức mà Giáo sư Michael Porter, đại học Kinh doanh Harvard, đặt tên là “sự kết dính mang tính xã hội”, theo đó người ta gắn kết với nhau bằng quan hệ cá nhân, thông qua tiếp xúc trực tiếp, có cùng mối quan tâm.
Sự gắn kết xã hội như thế này rất thuận lợi tại Israel, nơi mà “mọi người đều biết rõ nhau,  biết luôn cả thân nhân của nhau.”
Margalit chỉ là một trong số hàng chục ngàn doanh nhân Israel hoạt động theo dạng serie: nghĩa là họ không chỉ hoạt động kinh doanh trong một lĩnh vực ngành nghề duy nhất, mà dàn trải ra nhiều mảng khác nhau, đôi khi không liên quan nhau, cứ thành công trong một lĩnh vực này là họ tham gia tiếp vào một lĩnh vực mới khác, liên tục không nghỉ (serial entrepreneur). Không ai chỉ dẫn cho anh cả, tự anh ta nghĩ ra và làm. Tất cả các thành công của anh là thành quả của sự sáng tạo trong nhiều loại hình kinh doanh, nhiều công ty khác nhau, nắm bắt được vốn đầu tư mạo hiểm và công nghệ của thế giới. Ngoài ra, anh còn có một mục đích rõ ràng trong khi tiến hành kinh doanh.
Như bậc thầy Jim Collins đã viết trong tác phẩm bán đắt như tôm tươi Built to Last (Được xây dựng để trường tồn): “Muốn thành công trong kinh doanh, phải xác định rõ mục đích then chốt của việc kinh doanh, ngắn gọn thôi nhưng rõ ràng. Chính mục đích này khiến cho các thành viên trong công ty gắn bó hơn, không phải chỉ vì tiền lương hàng tháng.
Quả thật, người Israel thường tự xây dựng cho mình những mục đích cụ thể rõ ràng, họ biết động cơ của việc mình đang làm là gì: “trở thành người Israel yêu nước và mang lại lợi nhuận cho đất nước.”
Để hiện thực hóa động cơ này, Israel đã nhận ra tầm quan trọng tối thượng của công tác giáo dục đào tạo. Đó là lý do tại sao các trường đại học hàng đầu đất nước đã được ra đời từ rất sớm, một trong đó là Đại học Jerusalem (thành lập 1918, tức là trước khi nha nước Israel được hình thành.) Giáo sư hóa học Chaim Wiezmann, nổi danh toàn cầu với các phát minh trong ngành công nghệ sinh học (phương pháp sản xuất aceton chẳng hạn) cho biết “thoạt đầu thì có vẻ nghịch lý, trong một vùng lãnh thổ còn thiếu thốn vật chất quá nhiều như Israel nhưng dân tộc chúng tôi lại tập trung xây dựng các cơ sở để phát triển tri thức. Nhưng có tri thức là yếu tố đầu tiên để tạo dựng các thành tựu vật chất khác.”
Cuối thập niên 1950, dân số Israel khi đó mới là khoảng 2 triệu người mà đất nước đã có được 4 đại học tầm cỡ quốc tế, lớn nhất là đại học Tel Aviv (cho đến nay vẫn là ngôi trường lớn nhất cả nước.) Thời điểm quyển sách này được viết xong, Israel đã có 8 trường đại học và 27 trường cao đẳng, 4 trường của Israel lọt vào TOP 150 trường danh giá hàng đầu thế giới và 7 trường nằm trong TOP 100 của khu vực châu Á Thái bình dương. Tất cả đều là những trường thuộc sở hữu toàn bộ của Israel, không hề có yếu tố nước ngoài, không phải là chi nhánh/vệ tinh của bất cứ đại học nước ngoài nào cả.
Cũng cần nhắc lại rằng, Israel là đất nước của những người nhập cư, đặc biệt lại là những người có kiến thức khoa học: cứ 10,000 dân thì đã có 109 người là kỹ sư hoặc nhà khoa học. Người dân nước này cũng rất đề cao khả năng học thuật. Các chính sách thu hút người nhập cư của nhà nước cũng góp phần quan trọng để duy trì và phát triển đội ngũ trí thức. Tất cả đều hoàn toàn tương phản với thế giới Ả Rập.
Một đặc trưng nữa, không thể bỏ qua là vai trò của phụ nữ trong xã hội. Israel, thông qua hệ thống giáo dục đào tạo, đã xác lập một vị thế công bằng, xứng đáng cho phụ nữ, cũng khác hẳn với thế giới Ả Rập. Quốc gia này đã tận dụng hiệu quả tài năng và sức lao động của phụ nữ, đồng thời các thành tựu của phụ nữ cũng là động lực để nam giới phấn đấu nhiều hơn.

Phần IV: Động cơ của Đất nước
Chương 14: Các nguy cơ đe dọa sự thần kỳ kinh tế của Israel
Nền kinh tế Israel còn rất non trẻ. Viễn cảnh tươi đẹp của nền kinh tế với sự ra đời và hoạt động thịnhh vượng của các doanh nghiệp nhỏ, mới thành lập gần đây mới chỉ đơn thuần dựa trên hơn một thập niên, nghĩa là từ sau khi có Internet. Liệu viễn cảnh này sẽ biến mất nhanh chóng, nếu thế giới có những diễn biến bất ngờ? Đâu là những nguy cơ đe dọa sự trường tồn và thành công của nền kinh tế Israel?
Năm 2000, bong bóng công nghệ vỡ tung. Năm 2001, làn sóng khủng bố “đánh bom liều chết” tại các thành phố Israel lại dâng cao. Trong khi đó số lượng người nhập cư ngày càng vắng vẻ: từ cuối thập niên 1990 đã không còn ai từ Nga quay về Israel nữa. Khi bong bóng công nghệ vỡ, sản lượng xuất khẩu của Israel có suy giảm phần nào, tuy nhiên đã hồi phục trở lại mức 18.1 tỷ dollar trong năm 2008. Xét về nhóm đầu tư mạo hiểm, đương nhiên số tiền cũng giảm từ năm 2000, nhưng ngay trong giai đoạn khủng hoảng tài chính 2008 vừa qua, tại Israel không có ngân hàng nào bị phá sản cả (một ngoại lệ thứ hai là Canada, còn lại thì hầu hết mọi nền kinh tế gắn liền với Hoa Kỳ đều chịu ảnh hưởng nặng nề với sự sụp đổ của nhiều ngân hàng thương mại và đầu tư.) Các quy định về tài chính tiền tệ tại Israel khá nghiêm ngặt, ví dụ: các ngân hàng hoặc tổ chức cấp tính dụng chỉ được phép xây dựng đòn bẩy tài chính theo mức 5:1 (nghĩa là cứ có 1 đồng vốn sở hữu mới được phép huy động thêm 5 đồng vốn vay bên ngoài – ND), trong khi tại Mỹ tỷ lệ vốn vay/ vốn sở hữu được phép lên đến 26:1 và tại châu Âu còn là 61:1. Một nhà phân tích tài chính Israel, Eytan Avriel so sánh: “các ngân hàng Israel như các cỗ xe ngựa kéo, trong khi ngân hàng Mỹ là xe hơi thể thao. Xe hơi thể thao chạy nhanh và khi tai nạn diễn ra thì hậu quả thảm khốc hơn, trong khi xe ngựa chạy chậm mà an toàn hơn.”
Tin tốt lành cho Israel: họ không ứng dụng các thực hành tín dụng nguy hiểm. Tuy nhiên khó khăn trước mắt đối với nền kinh tế là: khủng hoảng tài chính toàn cầu khiến dòng vốn đầu tư  mạo hiểm chảy vào Israel giảm đi, nghĩa là hàng ngàn người lao động trong khối công nghệ cao của Israel sẽ mất việc làm. Nhiều công ty phải giảm giờ làm, cho nhân viên nghỉ sớm và giảm lương. Nếu tình hình cứ tệ hại hơn, thiếu vốn đầu tư thì rất nhiều doanh nghiệp nhỏ, mới thành lập của Israel sẽ phải đóng cửa.
Một mối nguy khác: sản xuất của Israel phụ thuộc qua nhiều vào các thị trường xuất khẩu. Hơn một nửa GDP của đất nước đến từ kim ngạch chứng khoán sang châu Âu, bắc Mỹ và châu Á. Khi các nền kinh tế này suy sụp, doanh nghiệp Israel rất khó tìm kiếm và khai thác khách hàng. Thị trường trong nước quá nhỏ, thị trường gần kề lại bị Ả Rập tẩy chay, phong tỏa. Đó là chưa nói đến sự giảm sút IPO và hoạt động mua bán-sáp nhập doanh nghiệp trong điều kiện kinh tế suy thoái chung.
An ninh quốc gia cũng đe dọa sự phát triển ổn định bền vững của nền kinh tế. Ngay trong giai đoạn 2008 – 2009 Israel đã phải chiến đấu với 2 nhóm vũ trang do Iran tài trợ và huấn luyện. Tất nhiên, đây chỉ là những xung đột nhỏ, nhưng không nên bỏ qua điều này: cả thế giới vẫn đang tập trung chú ý đến Iran như một đất nước chứa đầy vũ khí hạt nhân. Vô hình trung Iran cũng trở thành mối nguy đe dọa nền kinh tế Israel.
Sự phát triển của kinh tế Israel cũng chưa đồng đều giữa các ngành nghề: đất nước mới tập trung phát triển được ngành công nghệ, trong khi nhiều lĩnh vực khác còn chưa phát triển. Hệ lụy trước mắt có thể thấy ngay: không tận dụng được hết lực lượng lao động trong nước. Và nhiều chính sách để thúc đẩy kinh tế đất nước cũng chưa hoàn thiện.

Phần kết luận: Những nông dân làm kỹ thuật cao
Cẩn trọng nhất lại là sự liều lĩnh – Shimon Peres
Chúng tôi hẹn gặp tổng thống Shimon Peres tại văn phòng Phủ tổng thống, năm nay ông đã 85 tuổi. Ông là một trong những người Do Thái được nhiều quốc gia dân tộc khác ngưỡng mộ, còn tại nước nhà thì ông là một chủ đề gây nhiều tranh cãi, nhất là trong các vấn đề ngoại giao của Israel.
Nhưng mục tiêu của sách này là Kinh tế và các Doanh nghiệp, chứ không phải vấn đề ngoại giao. Cho nên chúng tôi nhìn nhận Peres như một trong các doanh nghiệp dạng “serie”, đồng thời ông là cha đẻ của nhiều ngành công nghiệp của Israel. Mặc dù ông chẳng học qua trường lớp kinh doanh nào cả.
Ông cũng ra đời trong một Hợp tác xã nông nghiệp, và đến giờ này ông vẫn nhận định “nông nghiệp là một ngành mang tính cải tiến lớn lao, trong 25 qua đất nước chúng ta đã tăng trưởng sản lượng nông nghiệp lên 17 lần; đó là một kỳ tích. Quả thật nông nghiệp là ngành có đến 95% khoa học công nghệ trong đó, chỉ 5% là sức lao động con người.”
Đó là quan điểm của Peres, nhưng không phải người dân Israel nào cũng đồng tình với ông về việc này. Cá nhân Tổng thống nhìn thấy công nghệ xuất hiện ở khắp nơi. Chính ông đã phát triển thành công ngành hạt nhân cho Israel, và trong năm 2005 thì Israel lọt vào TOP 10 các quốc gia sản xuất năng lượng hạt nhân trên toàn cầu.
Peres chưa dừng lại ở đó, ông thúc đẩy công tác Nghiên cứu Phát triển của đất nước một cách quyết liệt và Israel đã dẫn đầu thế giới trong tỷ lệ GDP dành cho khâu R&D. Song song với điều này, ông còn hoạch định ra một con đường để các doanh nhân phát triển.
Một doanh nhân cho biết “có nhiều cách để làm kinh doanh, theo đó bạn có thể phát minh ra một sản phẩm gì mới hoặc làm được gì đó mang tính nhân văn. Bạn sẽ có cảm giác mình là một nông dân đang làm kỹ thuật cao. Bạn nói về cuộc sống – không nhất thiết phải đề cập đến việc kinh doanh thu lợi bao nhiêu tiền cho bạn.”
Công thức Israel mạnh mẽ như hiện nay là sự pha trộn của lòng ái quốc, nghị lực, liên tục nhận thức về sự khan hiếm và nghịch cảnh của quốc gia, sự tò mò ham hiểu biết của dân tộc Do Thái.
Peres nói “đóng góp lớn nhất của Israel cho lịch sử là sự bất mãn liên tục, dân tộc này chẳng bao giờ hài lòng cả. Trong khoa học, đây là đặc trưng quý giá; nhưng trong chính trị thì chưa chắc. Bạn phải thay đổi và lại thay đổi, không ngừng.
Đến đây thì đã có thể kết luận rằng nguyên nhân của sự sáng tạo và tinh thần doanh nhân trong con người Israel là: sự hòa quyện gắn bó mật thiết của các đại học lớn, các công ty tập đoàn lớn, những doanh nghiệp nhỏ mới ra đời và những hệ thống kết nối, phụ trợ trong môi trường kinh doanh: nhà cung cấp, lực lượng lao động, vốn đầu tư mạo hiểm.
Không thể không nhắc đến vai trò của Quân đội Israel trong việc hình thành nên lợi thế R&D trong nền kinh tế dân sự. Bên cạnh đó, lý do thành công cũng  phần nào mang tính văn hóa: con người Israel mang tính cá nhân rất cao độ, không lệ thuộc vào tập thể. Điều này không có nghĩa là họ không có tinh thần đồng đội, mà là khả năng lớn để tự mình giải quyết vấn đề.
Đó cũng là lý do tại sao các gia đình cũng tự hào khi con cái trưởng thành, phục vụ quân đội xong và là các bác sĩ, kỹ sư; nhưng họ còn tự hào hơn nhiều khi con cái là “những doanh nhân” độc lập. Trở thành doanh nhân mới là chuẩn mực trong xã hội Israel hiện nay. Thành hay bại trong kinh doanh không phải là vấn đề lớn.
Trong kinh doanh nói riêng và mọi lĩnh vực khác của nền kinh tế nói chung, sự sáng tạo là không giới hạn. Các doanh nghiệp lớn trên thế giới đều đã nhận ra rằng: có một cách rất hay để hưởng lợi sự sáng tạo của người Israel, đó là đi mua lại một doanh nghiệp nhỏ, mới thành lập của đất nước này. Họ cũng có thể xây dựng nên một trung tâm R&D tại Israel. Các lựa chọn đều phù hợp trong bối cảnh toàn cầu hóa như hiện nay.
Quả thật, mọi doanh nghiệp đều biết rằng thế giới liên tục thay đổi và nền móng cho lợi thế cạnh tranh dài hạn phát xuất từ sự sáng tạo. Phải dám sáng tạo.
Tổng thống Peres nói “Thế giới học hỏi được từ Israel, và Israel cũng học được nhiều từ thế giới, nhưng cả đôi bên đều đã học được rằng điều cẩn trọng nhất là sự liều lĩnh.”
 ***

  
----------------------------------------------------------------------------------------------
TRITRI.org - SÁNG TẠO ĐỔI MỚI
Thích ứng thay đổi * Chủ động sáng tạo * Dẫn dắt thành công
Các BÀI VIẾT: link
Các HÌNH ẢNH: link
Các BÀI GIẢNG: link
Sáng tạo đổi mới tái xuất giang hồ: link

Chìa khóa vàng dẫn dắt thành công trong sáng tạo đổi mới: link

{ 0 nhận xét... read them below or add one }

Đăng nhận xét