Quốc gia khởi nghiệp Israel: Chương 3-4-5

Người đăng: chia se dam me on Thứ Tư, 5 tháng 12, 2012

sangtaodoimoi.blogspot.com dẫn từ nguồn www.opeconomica.com

Chương 3: Nhân vật trong Kinh thánh
Phần II: Ươm mầm một văn hóa cải tiến
Đi xa, lưu lại trong thời gian dài, quan sát kỹ  – Tạp chí Outside
Chiếc thang máy của tòa nhà La Paz, Bolivia dài đến 11.200 feet nhưng thang máy của tòa nhà El Lobo còn dài hơn một tầng lầu nữa. El Bolo là nhà hàng, chung cư và cũng là câu lạc bộ, nơi duy nhất cung cấp các món ăn mang phong vị Israel, thuộc sở hữu của 2 người Do Thái: Dorit Moralli và chồng cô ta là Eli. Hầu hết người Do Thái tại Bolivia đều đến nhà hàng này, không chỉ để thưởng thức các món ăn dân tộc mà còn để giao tiếp xã hội và nói tiếng Do Thái với nhau.
Quan trọng hơn và có ý nghĩa hơn là ở đây họ tìm thấy một quyển “Kinh Thánh”: tập hợp các ghi chép được lan tỏa đến mọi người Do Thái ở khắp nơi trên thế giới. Mỗi người đều có những ghi chép của riêng mình, rồi đem những nội dung đó trao đổi với người khác. Tất nhiên quyển “Kinh thánh” này không phải thuộc độc quyền của người Israel, nhưng các tác giả và độc giả của nó thường là người Israel.
Ra đời từ năm 1986, quyển “Kinh thánh” này có mặt ngay sau khi nhà hàng El Lobo ra đời, và mục đầu tiên là sản phẩm của 4 khách hàng người Israel viết về một thị trấn nhỏn trong khu rừng núi Bolivia mà họ nghĩ rằng những người Israel khác sẽ thích thú.
Trong thời đại internet ngày nay, quyển “Kinh Thánh” được viết bằng bút chì trên giấy như thế này vẫn phát triển mạnh mẽ. Nó phát triển thêm 5 “tập” khác: dành cho các khu vực Brazil, Chile, Argentina, Peru và khu vực phía bắc của Nam Mỹ. Ngoài ra cũng còn những quyển “Kinh Thánh” khác viết cho khu vực châu Á. Lúc đầu các bộ Kinh này được viết bằng tiếng Do Thái, sau này xuất hiện nhiều ngôn ngữ khác. Tạp chí Outside (tạm dịch: Bên ngoài) nhận định: “các mục viết trong những quyển “Kinh Thánh” này đều mang tính ngẫu nhiên, không theo trình tự gì cả.”
Rất nhiều thanh niên Israel đã tìm đọc các quyển “Kinh Thánh” này để biết được những lời khuyên của những người tha hương đi trước.
Một câu chuyện vui kể về dân Israel phiêu bạt như sau: “Một chủ khách sạn nhìn thấy passport của khách, ghi là công dân Israel liền hỏi “dân số Israel hiện là bao nhiêu nhỉ?” Khách đáp “khoảng hơn 7 triệu người”. Chủ khách sạn hỏi thêm “Vậy còn bao nhiêu người vẫn ở lại trong nước Israel?” Chẳng có gì quá ngạc nhiên khi rất nhiều dân tộc trên thế giới vẫn nghĩ rằng số lượng dân Do Thái là đông đảo, nhiều khi họ nghĩ là dân Do Thái đông không kém người Trung Quốc!
Tạp chí Outside cũng viết “người Israel đã hấp thu được văn hóa phiêu bạt khắp thế giới này, bằng sự quyết liệt của nó: đi xa, lưu lại trong thời gian dài và quan sát kỹ.”
Kiểu sống phiêu bạt này của người Israel không đơn thuần chỉ vì tính ưa quan sát thế giới, mà còn có nguyên nhân sâu xa hơn. Một nguyên nhân đơn giản là: người Do Thái muốn được “giải phóng” và tự do đi lại sau thời gian họ phục vụ trong quân đội.
Một nguyên nhân nữa mang tính tâm lý: đi du lịch khắp nơi là cách mà người Israel phản ứng lại với sự ngăn cách, bao vây về vật chất và ngoại giao của người Israel. Cư dân Israel luôn luôn cảm thấy mình đang bị cầm tù khi nhiều loại kẻ thù bao vây xung quanh đất nước họ. Mãi gần đây thì dân Israel mới sang du lịch ở các quốc gia láng giềng, còn trước kia thì không đời nào. Hiệp ước hòa bình ký kết với Ai Cập, Jordan chẳng có ý nghĩa gì hết.
Trước khi Nhà nước Israel ra đời, người dân Do Thái đã phải gánh chịu sự ngăn cách. Từ năm 1891, người Ả Rập đã kêu gọi các lãnh thổ trong khu vực tẩy chay người Do Thái và hàng hóa của họ.
Năm 1922, 22 quốc gia trong liên đoàn Ả Rập nhất trí tẩy chay “các sản phẩm của Israel bởi vì chúng được sản xuất ra trên lãnh thổ chiếm đóng của dân Palestine.” Đến năm 1943, tất cả các hãng xe hơi của Nhật Bản và Hàn Quốc đều tham gia hoạt động tẩy chay Israel này: không có chiếc xe hơi nào của các hãng Honda, Toyota, Mazda, Mitsubishi lưu thông trên đường phố Israel.
Một ngoại lệ duy nhất: hãng xe Subaru của Nhật, bởi vì hãng này bị cấm thương mại trong thế giới Ả Rập. Không chỉ trong lĩnh vực thương mại, Liên đoàn Ả Rập còn phong tỏa Israel trong nhiều mặt trận khác: chính trị, ngoại giao, văn hóa, du lịch…
Một ví dụ điển hình: Lebanon cấm trình chiếu bộ phim hoạt hình Người đẹp ngủ trong rừng của hãng Walt Disney, chỉ vì trong phim có một chú ngựa mang cái tên Do Thái: Samson.
Trong bối cảnh như vậy, các thế hệ trẻ của Israel vừa muốn thoát ra ngoài sự phong tỏa của thế giới Ả Rập, vừa muốn chứng tỏ sự bất chấp, coi thường việc bao vây đó. Họ muốn nói rằng “các ông càng muốn kìm chế, bao vây chúng tôi thì chúng tôi càng muốn chứng minh cho các ông thấy rằng: chúng tôi vẫn thoát khỏi sự kìm kẹp đó.” Đó là lý do tại sao Israel là đất nước của internet, phần mềm, máy tính và truyền thông. Đây là những lĩnh vực ngành nghề mà biên giới quốc gia, khoảng cách địa lý và chi phí vận chuyển là những điều không mấy quan trọng.
Đúng vậy, truyền thông công nghệ cao chính là đối sách cho một quốc gia nhỏ bị nhiều kẻ thù bao vây. Đó là giải pháp cần thiết phải làm, chứ không phải điều mà dân Israel thích làm hay cảm thấy thuận lợi khi làm.
Bởi vì Israel buộc phải xuất khẩu hàng hóa đến các vùng miền xa xôi hơn, chứ không thể vào được các quốc gia láng giềng thuộc thế giới Ả Rập, cho nên các doanh nhân Israel đã hình thành và phát triển được một ý niệm: rất ác cảm với việc sản xuất những hàng hóa số lượng lớn, đại trà phổ biến và chi phí vận chuyển cao. Họ có xu hướng nghiêng về các mặt hàng là thiết bị và phần mềm nho nhỏ, vô danh không tên tuổi. Đến lượt nó, xu hướng này khiến nền kinh tế Israel đi theo định hướng phát triển dựa trên tri thức và cải tiến, một con đường mà ngày nay Israel vẫn đang theo.
Khó có thể tính hết được những cuộc bao vây, phong trào tẩy chay và lệnh cấm vận của nước ngoài mà quốc gia Israel đã phải hứng chịu trong suốt 60 năm qua. Tổn thất của Israel vì tình trạng này ước tính khoảng 100 tỷ dollar. Nhưng giá trị còn khó có thể ước tính là: những nỗ lực của người Israel để thúc đẩy nền kinh tế của họ trong điều kiện khó khăn này thì đáng giá bao nhiêu tỷ?
Ngày nay, các doanh nghiệp Israel đã tích hợp chặt với nhiều nền kinh tế : Trung Quốc, Ấn Độ, Mỹ Latin … với thế mạnh đi đầu là ngành viễn thông. Các công ty điện thoại lớn của Trung Quốc đều dựa vào những doanh nghiệp Israel để có trang thiết bị và phần mềm. Một mạng xã hội lớn thứ 3 tại Trung Quốc cũng được hình thành bởi một doanh nghiệp Israel, tên là Koolanoo, trong tiếng Do Thái nghĩa là “tất cả chúng ta”. Một doanh nhân Do Thái, hoạt động trong lĩnh vực đầu tư vốn mạo hiểm tại Trung Quốc, nhận xét “người Israel  đã có thời gian làm việc thuận lợi tại Trung Quốc vì 2 lý do: chúng tôi từ đầu đã nhận ra đây là một thị trường mới trỗi dậy, đầy tiềm năng nên sớm tiếp cận và người Trung Quốc không có truyền thống kỳ thị người Do Thái.”
Có thể nói rằng người Israel đã vượt xá nhiều đối thủ cạnh tranh để sớm xâm nhập các thị trường mới nổi như thế này, tình thế buộc họ phải nắm bắt được các cơ hội mới. Rõ ràng, có mối liên hệ giữa các thanh niên trẻ Israel với chiếc ba-lô trên lưng để du lịch quanh thế giới với các doanh nhân xâm nhập váo các thị trường nước ngoài.
Khi còn trai trẻ, họ không e ngại những trải nghiệm mới tại nhiều môi trường xa lạ, ghi lại những trải nghiệm vào “Kinh Thánh”. Để rồi sau này khi lớn tuổi hơn họ trở thành các doanh nhân am hiểu thị trường, văn hóa từng vùng miền. Theo ước tính của nhà sử học quân sự Edward Luttwak thì “rất nhiều cựu quân nhân Israel đều đã ghé thăm hàng chục quốc gia khác trước khi anh ta 35 tuổi.”
Một minh chứng điển hình về tinh thần “ra quốc tế” của người Israel là doanh nhân Simcha Blass, sáng lập viên của công ty Netafim – đơn vị từng hoạt động trong ngành nông nghiệp, thô sơ nhưng đã thúc đẩy cả ngành này lên tầm công nghệ cao và sạch. Blass từng làm việc cho Công ty Cấp nước Israel, phụ trách mảng tưới tiêu cho khu vực Negev, Israel với hệ thống ống dẫn nước từ sông Jordan và biển Galilee vào nội địa. Ông có ý tưởng “tưới nước kiểu nhỏ giọt” từ thập niên 1950, trong điều kiện thiếu nước trầm trọng của khu vực mình phụ trách. Phát minh của ông đã được ứng dụng tại nhiều vùng miền xa xôi hẻo lánh, nơi mà các công ty nông nghiệp châu Âu không quan tâm trong giai đoạn thập niên 1960 – 1970. Vậy nên công ty Netafim của ông hiện đang vận hành tại 100 quốc gia , đáng chú ý là các nước Việt Nam, Đài Loan, New Zealand, Trung Quốc, Ấn Độ, Thái Lan, Philippines, Hàn Quốc … và nhiều quốc gia Nam Mỹ khác. Cũng nhờ ông và doanh nghiệp Netafim mà quan hệ của Israel với các quốc gia Hồi giáo từng thuộc Liên Bang Xô Viết trước đây trở nên nồng ấm hơn: Azerbaijan, Kazakhstan, Uzbekistan.
Các doanh nhân và nhà quản lý Israel, như Blass, còn tự mình nhận lãnh sứ mệnh làm ngoại giao cho đất nước: họ không chỉ chào bán sản phẩm dịch vụ của mình, mà còn “đi sales” cho cả nền kinh tế Israel, tự coi mình là đại diện của Nhà nước Israel. Một điển hình khác nữa là chủ doanh nghiệp Medved – sáng lập viên của công ty Vringo, tiên phong trong lĩnh vực cung cấp các đoạn video thay cho nhạc báo chuông điện thoại di động. Việc kinh doanh của ông chỉ là thứ yếu, ông dành rất nhiều thời gian để quảng bá cho đất nước Israel. Mỗi chuyến công tác nước ngoài, ông đều mang theo presentation trình chiếu các slide giới thiệu về đất nước và các thành tựu khoa học kỹ thuật của đất nước mình.
Trong khi quảng bá, ông thường “nửa đùa nửa thật” bằng một câu chuyện: nếu Israel đi theo tấm gương của Intel trong chiến dịch marketing quảng cáo cho bộ vi xử lý của họ (bằng cách dán các con tem có ghi “Intel Inside”: nghĩa là trong máy tính có sử dụng chip Intel) thì hẳn đất nước ông sẽ có một chiến dịch “Israel inside” tương tự. Theo đó, cả thế giới sẽ thấy có vô số sản phẩm “mang tố chất Israel bên trong”:  máy tính, điện thoại di động, thiết bị y khoa, dược phẩm, mạng xã hội, các nguồn năng lượng sạch, thực phẩm,… Medved sau đó gợi ý cho các công ty đa quốc gia: hình như các bạn vẫn thiếu sót khi chưa mở các điểm kinh doanh tại đất nước Israel của tôi.
Vậy là doanh nhân Medved đã đóng nhiều vai chứ không chỉ đơn thuần là người làm kinh doanh: phòng Thương mại và Công nghiệp, Bộ trưởng Thương mại và cả Bộ trưởng Ngoại giao.
Medved là điển hình cho thế hệ doanh nhân Israel: ông không chỉ chào mời, quảng bá cho doanh nghiệp của mình, mà ông làm marketing cho cả đất nước Israel.

Chương 4: Các trường Đại học Harvard, Princeton và Yale
Phần II: Ươm mầm một văn hóa cải tiến
Chúng tôi gặp David Amir tại nhà anh ta ở Jerusalem khi anh trong bộ trang phục phi công. Anh trông giống giống một chàng sinh viên ngành mỹ thuật chứ không phải người lái máy bay chiến đấu có nhiều thành tích trong Không lực Israel: ăn nói nhỏ nhẹ, thâm trầm và khiêm tốn.
Nếu như các sinh viên ở nhiều quốc gia khác đầu tiên sẽ chọn lựa để theo học tại trường đại học nào, thì sinh viên Israel trước hết lại cân nhắc xem nên phục vụ trong binh chủng nào của quân đội quốc gia. Nhiều sinh viên rất muốn được tham gia các đơn vị, binh chủng ưu tú. Anh Amir này đã quyết định khi mới 20 tuổi, rằng mình cần học tiếng Ả Rập để trở thành một quân nhân trong các binh chủng ưu tú nhất của quân đội Israel.
Tuy nhiên các binh chủng này yêu cầu rất khắt khe.
Hàng năm đều có một thông tin gửi đến tất cả các trường trung học trên toàn quốc: “Ai muốn trở thành phi công chiến đấu? Ai muốn phục vụ trong đội đặc nhiệm Hải quân? Ai muốn gia nhập lực lượng Nhảy Dù? Ai muốn trở thành Biệt kích? Ai muốn gia nhập binh chủng Thông tin?”
Tất cả nam nữ sinhh Israel, tuổi 17 đều được kêu gọi để đến trung tâm Tuyển quân Quốc gia, rồi trải nghiệm ở đó: kiểm tra sức khỏe và tâm lý, đánh giá thái độ, phỏng vấn. Cuối ngày, mỗi ứng viên trẻ đều nhận được các chọn lựa đề xuất: đó là các quân binh chủng, các đơn vị quân đội.
Chẳng hạn, nội dung kiểm tra đối với các ứng viên của lực lượng Nhảy Dù sẽ được tiến hành 3 lần mỗi năm. Mỗi thành viên tham gia “dự tuyển” phải trải qua 5 ngày huấn luyện gian khổ, cấp tập và không ngủ – thiếu ăn đến  nỗi họ không phân biệt nổi ban ngày và ban đêm.
Sau chương trình này, ai được chấp nhận sẽ có quân hàm. Hai mươi thành viên ưu tú nhất sau khóa huấn luyện đó ngay lập tức tham gia vào một chương trình đào tạo kéo dài 20 tháng. Sau đó họ trở thành quân nhân chính thức trong quân đội Israel. Khi giải ngũ, họ vẫn thuộc Lực lượng quân Dự bị cho đến năm 45 tuổi.
Điều đáng chú ý là: điều kiện để được gia nhập các quân binh chủng ưu tú trong quân lực Israel cũng khắc nghiệt không thua gì để được nhập học tại các đại học danh giá nhất thế giới hiện nay như Harvard, Princeton và Yale. Người Israel rất quan tâm đến quá khứ từng tham gia quân đội, trong khi quá khứ với hiểu biết mang tính học thuật lại không được đánh giá cao như vậy.
Một câu hỏi mà trong bất cứ cuộc phỏng vấn nào khi người lao động đi tìm việc làm là “anh/chị từng phục vụ quân đội khi nào?” Trong đó, Cơ quan Tình báo 8200 cũng là một đơn vị danh giá hàng đầu, những ai từng phục vụ trong đơn vị này đều được đánh giá cao trên thị trường lao động.
Như chúng ta đã biết, Không quân và Biệt kích cũng nổi tiếng với những chuẩn mực tuyển dụng khắt khe và quá trình huấn luyện gian khổ. Vậy mà trong quân lực Israel còn có một đơn vị nữa chuyên đào tạo những nội dung “khó khăn hơn cả Không quân và Biệt kích”: đó là Talpiot – chương trình đào tạo kỹ thuật phục vụ quân sự kéo dài 41 tháng và những ai hoàn thành khóa đào tạo này sẽ phục vụ tổng cộng là 9 năm trong quân đội Israel.
Chương trình Talpiot này ra đời như kết quả của sáng kiến Tổng tham mưu trưởng Quân đội Israel , tướng Rafael Eitan, trong điều kiện đất nước này thường xuyên hứng chịu những cuộc đột kích bất ngờ từ ngoại bang (điển hình như chiến tranh 1973 đã nêu).
Ý tưởng của Tổng Tham mưu trưởng khá đơn giản: chọn lọc những thanh niên, học sinh ưu tú nhất Israel, đào tạo họ chuyên ngành kỹ thuật, nội dung chuyên sâu tối đa như những gì mà các trường đại học và quân đội cần đào tạo.
Chương trình Talpiot này đã vận hành liên tục hơn 30 năm nay, hàng năm 2% học sinh sinh viên giỏi nhất Israel được đề nghị tham gia – nghĩa là 2,000 thanh thiếu niên. Tất nhiên, chỉ một phần mười số lượng ban đầu này qua khỏi vòng loại, chủ yếu là 2 môn Vật Lý và Toán học. Hai trăm học sinh sinh viên qua được vòng sơ tuyển sẽ bắt đầu một khóa Talpiot đầy thách thức, với quân hàm Chuẩn úy.
Chương trình học chuyên ngành Toán và Vật lý tại đây có chất lượng không thua các Đại học hàng đầu khác, đã vậy còn phải học nhiều hơn và trong thời gian ngắn hơn; đồng thời thành viên của Talpiot được giới thiệu các nhu cầu của Quân đội Israel. Kỹ thuật căn bản của lính Nhảy Dù cũng được đào tạo kèm theo trong khóa này.
Vậy là các học viên Talpiot hiểu được các môn kỹ thuật và nhu cầu của quân đội nước nhà, đặc biệt là mối liên hệ giữa chúng. Mục tiêu cao nhất của khóa đào tạo Talpiot là Tri thức.
Ngoài ra, các thành viên khóa học còn là những nhà lãnh đạo mang định hướng sứ mạng và những người có khả năng giải quyết vấn đề. Để đạt được điều này, học viên được giao phó hết sứ mạng này đến sứ mạng khác, và họ phải tự giải quyết trong khi thông tin hướng dẫn là tối thiểu. Một số nhiệm vụ khá đơn giản: tổ chức cuộc họp trong nhóm hạ sĩ quan, tuy nhiên càng về cuối chương trình thì các sứ mạng càng phức tạp hơn: xâm nhập vào một hệ thống thông tin hoặc các tổ chức khủng bố.
Một yêu cầu tiêu biểu nhất là: học viên phải tìm cho được các giải pháp “mang tính kết hợp nhiều môn học” đối với các vấn đề quân sự. Ví dụ: họ phải xử lý thế nào trong tình huống một phi công bị thương nặng ở lưng. Đầu tiên, họ phải tính toán được ảnh hưởng do sự rung của máy bay khi chở người phi công bị thương này về căn cứ, sau đó thiết kế vị trí ngồi/nằm cho thương binh, và các bước xử lý tiếp theo …
Chương trình Talpiot này sau hơn 30 năm hoạt động cũng chỉ cho ra khoảng 650 người “tốt nghiệp”. Đáng chú ý là: hầu hết những học viên này sau khi rời quân ngũ chính quy đều trở thành các nhà lãnh đạo giỏi học thuật hàng đầu hoặc những sáng lập viên của các doanh nghiệp thành công nhất Israel.
Chủ sở hữu của các doanh nghiệp Israel có niêm yết trên sàn NASDAQ là một minh chứng điển hình: họ đều từng trải qua khóa huấn luyện “đặc biệt” mang tên Talpiot. Hai phần ba các học viên Talpiot đều là những nhân vật có đóng góp lớn cho kinh tế và xã hội Israel, càng góp phần làm cho đất nước phát triển theo một phong cách hoàn toàn khác biệt.
Đây được xem là chương trình “tinh hoa của các tinh hoa trong quân lực Israel”, nhưng chiến lược căn bản nằm sâu bên dưới là: cần đào tạo huấn luyện cho những người có tài năng, cho họ nắm bắt được nhiều kiến thức vừa rộng vừa sâu, sao cho họ có điều kiện phát huy sức sáng tạo lớn nhất là kỹ năng giải quyết vấn đề tốt nhất.
Dân tộc tính của Israel là như vậy: con người cần phải giỏi nhiều lĩnh vực, chứ không nhất thiết phải xuất sắc trong một môn nào cả. Môi trường quân ngũ dạy cho người Israel điều đó.
Shainberg – Phó TGĐ của kênh truyền thông Anh Quốc – cho chúng tôi biết quan điểm của ông về việc này: “trong con người Israel có gen di truyền DNA rất kỳ lạ, chuyên cho Sáng tạo. Chẳng có nơi nào nên thế giới ngoài đất nước Israel, nơi đó những người làm công việc Sáng tạo trong lĩnh vực khoa học kỹ thuật cũng đều là những người từng là quân nhân”.
Nhận xét của Shainberg phần nào chưa thể hiện hết vấn đề: theo thống kê của Thành công Hợp tác và Phát triển Quốc tế thì 45% dân số Israel là những người tốt nghiệp đại học, một trong những quốc gia có tỷ lệ học đại học cao nhất thế giới.
Sự Sáng tạo phụ thuộc nhiều vào việc có nhiều viễn cảnh mới lạ, mà để có nhiều viễn cảnh mới thì người ta cần có nhiều trải nghiệm. Trải nghiệm lại được hình thành từ tuổi đời và sự chín chắn.
Tại Israel, con người có nhiều trải nghiệm, viễn cảnh và sự chín chắn khi còn trẻ tuổi – khoảng 25 tuổi, lúc vừa tốt nghiệp đại học và kết hôn. Điều kiện xã hội của quốc gia này đã tạo nên hiện tượng trên, khi sự lan truyền nhiều loại trải nghiệm khác nhau đến được với các học sinh phổ thông trung học. Khi thành sinh viên đại học, các bạn trẻ này trong đầu đã chứa đầy các trải nghiệm và có “tâm thế” rất khác so với những sinh viên ở nhiều quốc gia khác.
Sinh viên Israel ra trường có trong đầu nhiều quan điểm, viễn cảnh mới lạ. Sau đó họ còn thu được các trải nghiệm mới hơn nữa, do cuộc sống hôn nhân và đặc biệt là môi trường quân ngũ.
Shainberg nói tiếp “môi trường quân ngũ đòi hỏi bạn phải có những quyết định mang tính sống – chết, bạn phải có kỷ luật, trí não của bạn phải được rèn luyện sao cho bạn tồn tại được ở nơi tiền tuyến hay trong cuộc hành quân. Điều này rất có ích khi bạn rời quân ngũ sau đó và trở thành doanh nhân trên thương trường.”
Sự chín chắn từ môi trường quân sự kết hợp với sự vội vã, thiếu kiên nhẫn (kiểu trẻ con) lại thành một thuộc tính mạnh mẽ. Từ khi đất nước ra đời, người dân Israel luôn luôn hoài nghi về tương lai – cả tương lai gần lẫn tương lai xa. Họ rất vội, rất nhanh.
Một doanh nhân Hoa Kỳ, Mark Gerson nói “đàn ông Israel muốn hẹn hò với một phụ nữ thì họ sắp xếp ngay tối hôm đó; còn người doanh nhân Israel có ý tưởng kinh doanh mới thì họ triển khai ngay trong tuần.
Dân Israel không hề có khái niệm thí điểm, làm thử, thu thập đủ các bằng chứng đáng tin cậy rồi mới ra quyết định. Yếu tố táo bạo này là rất tốt trong hoạt động kinh doanh.” Phi công David Amir nói với chúng tôi : “môi trường quân đội quốc gia Israel mang đến cho bạn các cơ hội quý giá để tự kiểm tra và chứng minh bản thân mình.
Các trải nghiệm trong quân ngũ là độc nhất vô nhị: nơi đó là một xã hội với những người đàn ông và phụ nữ Israel đến từ nhiều nền văn hóa khác nhau và mang theo nhiều yếu tố kinh tế xã hội và nền tảng tôn giáo rất khác nhau, họ làm việc sát cánh bên nhau.” Như đã trình bày, quân lực Israel có xương sống là lực lượng quân dự bị. Hàng năm mọi công dân đều dành vài tuần lễ để đến quân trường, đây chính là dịp để họ thiết lập các quan hệ kinh doanh, ngay trên thao trường, trong phiên gác hoặc lúc hành quân.
Thử so sánh với Đại học Harvard: cứ 5 năm họ lại tổ chức một buổi gặp mặt các thành viên của khóa học, nhằm củng cố sự liên kết của các bạn học cũ. Tại “đại học Quân nhân” Israel thì mỗi năm họ gặp nhau 1 lần, trong 2 đến 4 tuần. Mối quan hệ giữa các cá nhân là mật thiết, gần gũi: ai cũng biết nhiều người khác, cùng các thân nhân của họ. Không ai trốn tránh cộng đồng được, sự minh bạch là rất cao độ.
Hơn thế nữa, môi trường quân ngũ giúp người Israel học được cách thương lượng xử lý quan hệ giữa con người với con người – rất hữu ích khi họ làm kinh doanh và xây dựng quan hệ với khách hàng, nhà cung cấp. Đối với người Israel thì đời quân ngũ là trường Đại học lớn và hữu ích.
Người Mỹ dường như không nhận ra điều này. Hiện nay cứ 221 công dân Mỹ mới có 1 người là quân nhân hiện dịch (quân chính quy) và các thành viên thuộc thế hệ trẻ của Hoa Kỳ không cảm nhận được mối liên kết giữa họ trong thời gian phục vụ quân đội Hoa Kỳ. Họ cho rằng đây chỉ là giai đoạn tạm thời, sẽ qua nhanh, sẽ giải ngũ và trở về cuộc sống dân sự.
Một sĩ quan chỉ huy Thủy quân Lục chiến Hoa Kỳ, Nathaniel Fick, từng tham chiến tại Afghanistan và Iraq, sau đó ông theo học trường Kinh doanh Harvard và trường Hành chính Công Kennedy, cũng nhận định tương tự: “với các trải nghiệm chiến trường, nhiều cựu binh sau khi giải ngũ đã làm kinh doanh tốt hơn nhiều người khác. Họ mở doanh nghiệp mới, hay làm thuê cho các công ty đã có tên tuổi, thâm niên thương hiệu cũng đều thành công.”

Chương 5: Trật tự và Xáo trộn
Phần II: Ươm mầm một văn hóa cải tiến
Chương 5: Trật tự và Xáo trộn
Hoài nghi và tranh luận – đó là hội chứng của nền văn minh Do Thái và là hội chứng của người Israel hiện nay.
Trên thế giới có khoảng 30 quốc gia áp dụng chế độ quân dịch bắt buộc có thời hạn dài hơn 18 tháng, hầu hết đó là các quốc gia đang phát triển và/hoặc phi dân chủ. Nhưng trong cộng đồng các quốc gia phát triển hàng đầu thế giới, vẫn có 3 nước áp dụng chính sách nghĩa vụ quân sự cứng rắn này. Đó là Hàn Quốc, Singapore và Israel; đơn giản là vì cả 3 quốc gia đều phải luôn luôn đối mặt với nguy cơ chiến tranh.
Riêng với Israel thì nguy cơ chiến tranh đã có từ khi nhà nước chưa được hình thành: thập niên 1920 khi đó thế giới Ả Rập bác bỏ sự tồn tại của Israel.
Cũng cần nói thêm rằng, từ năm 1963, đáp lại lời kêu gọi giúp đỡ của Singapore về quân sự, nhằm chống trả sự đàn áp từ phía Malaysia cũng như làn sóng Cộng sản đang dâng cao trong khu vực, chính phủ Israel đã gửi Trung tá Yehuda Golan sang đảo quốc Sư tử.
Ông Trung tá Israel viết ra hai cẩm nang cho quân đội Singapore, khi đó mới thành lập được 2 trung đoàn quân chính quy. Một cẩm nang trình bày về chủ chuyết chiến tranh, cuốn kia nói về cấu trúc quân đội và các tổ chức tình báo. Sau đó, Israel gửi thêm 6 cố vấn quân sự nữa sang Singapore. Đó là lý do tại sao Singapore cũng triển khai mô hình quân dự bị tương tự như Israel: mỗi thanh niên sau khi hoàn tất nghĩa vụ quân sự vẫn phải tiếp tục phục vụ quân đội trong 1 khoảng thời gian ngắn hàng năm, trong vai trò quân nhân dự bị, cho đến năm anh ta 33 tuổi.
Thủ tướng Singapore Goh Chok Tong từng phát biểu “cha ông chúng tôi là những người nhập cư đến đảo quốc Singapore này, với vô số nguồn gốc: Hoa, Ấn, Malay… Nhưng quân đội Singapore đã huấn luyện để các quân nhân cùng nhau sát cánh chiến đấu, họ tin cậy và tôn trọng nhau hơn.” Phát biểu này hoàn toàn đúng với Israel.
Còn nói về kinh tế và hoạt động của các doanh nghiệp nhỏ, mới ra đời thì Singapore không thành công bằng Israel, mặc dù mô hình của Singapore là thứ được sao chép lại từ Israel, cũng giống như việc tổ chức quân đội. Tại sao ư? Mặc dù tăng trưởng GDP của Singapore vô cùng ấn tượng và đảo quốc nào là một trong những “con Hổ của châu Á” hiện đại, nhưng trong văn hóa Singapore thiếu đi 3 yếu tố then chốt của văn hóa Israel: có sáng kiến, chấp nhận rủi ro và tốc độ. Cựu thủ tướng Lý Quang Diệu mới đây cũng phải thừa nhận và rung hồi chuông cảnh báo quốc gia này “chúng ta hiện rất cần sự bùng nổ cho Sáng tạo trong kinh doanh, chúng ta cần thử nghiệm nhiều điều và cần xuất hiện nhiều doanh nghiệp nhỏ, mới.”
Hàn Quốc cũng tương tự như Singapore, nguyên nhân lại hơi khác: người Hàn sợ mất mặt khi thất bại. Vậy nên cho dù có rất nhiều doanh nghiệp bề thế, quy mô lớn nhưng Hàn Quốc không có nhiều doanh nghiệp nhỏ, mới thành lập bởi vì văn hóa Hàn là che dấu những thất bại, e ngại thất bại.
Trong quân đội Israel, người ta phân chia quân nhân thành 2 loại tùy theo cách tư duy: loại “đầu nhỏ” chỉ biết né tránh trách nhiệm, lý giải các mệnh lệnh cấp trên theo cách hạn hẹp nhất có thể có và từ chối các nhiệm vụ được giao thêm; và loại “đầu lớn”: vẫn tuân lệnh nhưng tìm phương pháp tốt nhất để thi hành mệnh lệnh, với sự phán xét, và có những nỗ lực cần thiết sao cho kết quả sau cùng là tốt nhất.
Lối tư duy “đầu lớn” chú trọng đến khả năng ứng biến tình huống, chứ không gò bó trong nguyên tắc, và thách thức, phản biện cấp trên nhưng vẫn tôn trọng yếu tố thứ bậc. Vì thế, sau mỗi buổi tập luyện, tất cả quân nhân đều ngồi lại với nhau và cùng tranh luận gay gắt – bất chấp yếu tố cấp bậc, chức vụ. Họ làm công việc của những người trong phòng thí nghiệm: giả lập, phân tích mổ xẻ tình huống, tìm ra các thông tin mới, và lại phân tích, lại tranh luận tiếp tục. Họ học hỏi từ các sai lầm, của mình và của những người khác.
Bao che cho sai lầm của mình không phải là cách thức thường thấy trong quân đội Israel. Khi một người làm hỏng việc, điều anh ta cần làm là: trình bày cho mọi người biết anh đã rút ra được những bài học gì từ sau sai lầm đó.
Ngay khi giành chiến thắng thì quân đội Israel vẫn tiếp tục rút ra bài học kinh nghiệm, để cải tiến sao cho tốt hơn nữa.
Lối tư duy ứng biến tình huống, không có sự chuẩn bị trước được minh chứng rõ nét trong trường hợp của Gene Kranz – một thành viên NASA chịu trách nhiệm chính trong sự cố tàu vũ trụ Columbia năm 2003, đã có tính cộng hưởng lớn đến người Israel. Một thành viên trong phi hành đoàn là Ilan Ramon, cựu Đại tá Không quân và là anh hùng của Israel, đã thiệt mạng trong sự cố này.
Mặc dù trước giờ khởi hành, rất nhiều kỹ sư đã phát hiện ra một khối lượng lớn bột cách điện – nặng 1.67 pound – đã bị rơi vãi bên ngoài thùng nhiên liệu ngoài khi tàu đang cất cánh. Họ cảnh báo với các nhà quản lý NASA nhưng đã bị phớt lờ. Sự cố đáng tiếc đã diễn ra ngay sau đó.
Văn hóa của NASA khi đó là: luôn luôn làm việc theo lịch trình sẵn có và tuân thủ các chuẩn mực đã được đề ra. Cho nên khi phát hiện lượng bột cách điện rơi vãi, các nhà quản lý vẫn không cho rằng đó là dấu hiệu nguy hiểm: trước kia vẫn từng xảy ra kiểu rơi vãi như thế nào, mà chẳng sao cả. Họ làm việc theo quán tính đã có. Sau khi sự cố diễn ra, người ta buộc phải thay đổi tư duy theo hướng thí nghiệm: mỗi ngày làm việc là một lần thử nghiệm mới, mỗi thông tin dù nhỏ nhặt nhất cũng đều có thể có giá trị và cần được đưa ra tranh luận.
Người Israel đã rút ra được bài học này sau sự cố.
Trong quá khứ, cuộc “chiến tranh 6 ngày” với Ả Rập trong năm 1967 đã mang về chiến thắng vang dội cho Israel. Israel đã tấn công trước, tiêu hủy toàn bộ Không lực của Ả Rập khi các máy bay đó còn chưa kịp cất cánh. Chỉ trong 6 ngày mà quân đội Ả Rập phải rút lui trên toàn bộ các mặt trận. Thế mà ngay khi đã thắng giòn giã, rất nhiều sĩ quan cấp cao trong quân lực Israel bị sa thải sau khi các đơn vị tác chiến tiến hành thảo luận sau trận đánh. Họ gọi đây là hoạt động “báo cáo lại sau khi đã kết thúc sự vụ”.
Thế nhưng trong năm 2006, Israel đã không tiêu diệt được nhóm Hezbollah, không làm suy yếu được vị thế của nhóm vũ trang này tại Lebanon và không đòi lại được những con tin đã bị Hezbollah bắt giữ. Bộ trưởng Quốc phòng, Tổng tham mưu trưởng quân đội và Thủ tướng Israel trực tiếp chỉ đạo cuộc tấn công giải cứu. Sáu đại đội tác chiến của Israel đã tiêu diệt gần 400 chiến binh Hezbollah trong một trận đánh giáp lá cà, và phía Israel chỉ thương vong có 30; nhưng trận chiến này vẫn được coi là sự thất bại của chiến lược và công tác đào tạo trong quân đội Israel.
Một tướng về hưu, ông Giora Eiland phân tích 4 nguyên nhân thất bại chính trong trận đánh này: các đơn vị tác chiến kém, nhất là khi tác chiến trên bộ; chỉ huy cấp cao cũng tồi; quy trình ra lệnh và kiểm soát các đơn vị không hiệu quả; các chuẩn mực và giá trị truyền thống đang có vấn đề. Eiland nhấn mạnh “hiếm thấy sự tư duy cởi mở, sự sáng tạo để giảm bớt rủi ro trong trận đánh này.”
Người lính không thấm nhuần ý nghĩa “số phận cuộc chiến nằm trên vai mỗi người chúng ta.” Còn chỉ huy thì ỷ lại vào công nghệ, không sẵn sàng cho một cuộc chiến giáp lá cà trên bộ. Mặt khác, lẽ ra các chỉ huy tác chiến phải tranh luận quyết liệt khi nhìn thấy sự thiếu sót trong chỉ đạo của Tham mưu trưởng, nhưng họ đã không làm được điều đó.
Eiland đề xuất rằng: quân lực Israel cần khôi phục lại nét truyền thống của họ: không quan trọng yếu tố thứ bậc, cấp bậc trong quân ngũ, sáng tạo và táo bạo. Theo ông, quân đội Israel cần và hoàn toàn có thể để cho các sĩ quan cấp dưới được hoạch định và dẫn dắt chỉ huy các cuộc hành quân mà không cần quá nhiều chỉ đạo từ trên, điều đó tốt hơn khi đất nước phải tiến hành những cuộc chiến tranh quy ước.
Thật vậy, cuộc chiến 2006 đã làm Israel thức tỉnh, quân đội nước này sau nhiều năm chiến đấu chống khủng bố đã thiếu sót đi một số kỹ năng quan trọng trong chiến tranh quy ước. Trong chiến tranh, cần ủy quyền nhiều hơn, cho phép các cấp dưới nhận lãnh nhiều trách nhiệm hơn và khuyến khích họ phản biện cấp trên. Phần nào trông có vẻ hơi lộn xộn.
Nhưng chính sự lộn xộn một chút này lại không những là có lợi, mà còn là yếu tố then chốt. Trong hoạt động kinh tế cũng vậy, cần có một chút xáo trộn chứ không phải luôn luôn có trật tự, có sự tuân phục, ngoan ngoãn. Một trường phái kinh tế học mới đây nghiên cứu về các yếu tố cấu thành căn bản trong tinh thần doanh nhân đã kết luận rằng: sự linh hoạt, uyển chuyển được hình thành khi con người có thể vượt qua các ranh giới hạn chế, khi người ta có thể đảo lộn mọi chuẩn mực xã hội, khuấy đảo nền kinh tế thị trường, và đó là những chất xúc tác để hình thành các ý tưởng mới, triệt để.
Trường phái này còn cho rằng: không theo mô hình, không lối mòn, không công thức chính là sức mạnh để kích thích sức sáng tạo trong kinh tế.
Hãy nhìn đất nước Singapore để so sánh: Singapore luôn luôn ngăn nắp, trật tự và tuân phục. Singapore lịch thiệp, chuẩn mực. Singapore với chế độ độc đảng lãnh đạo. Và Singapore không hề có sự linh hoạt uyển chuyển trong hoạt động kinh tế.
Một số nhà tư tưởng như William Baumol, Robert Litan và Carl Schramm, đã tranh luận rằng môi trường lý tưởng nhất là môi trường trong đó có “lợi thế của sự xáo trộn”.
Khi trật tự, chuẩn mực “giao chiến” với sự hỗn độn, đó là lúc sự điều chỉnh được ra đời, đi kèm theo là sự hiểu biết và sáng tạo. Đây đúng là môi trường phát triển của các doanh nhân Israel.  Họ thu lợi nhuận từ các định chế bền vững, được thiết lập từ lâu đời và theo tinh thần thượn tôn pháp luật của những nền dân chủ tiến bộ. Song các doanh nhân Israel còn thu lợi được từ văn hóa “không mang tính thứ bậc, lộn xộn cấp trên – cấp dưới.”
Không phải ngẫu nhiên mà quân đội Israel – nhất là các binh chủng ưu tú, tinh nhuệ như Không quân, Tình báo, và Công nghệ thông tin Quân sự – lại là nhân tố ươm mầm cho hàng ngàn doanh nghiệp nhỏ, mới thành lập của đất nước Israel.
Các quốc gia khác có thể không xây dựng được nhiều doanh nghiệp như thế này, nhưng Israel làm được bởi vì con người Israel có tư duy “cái đầu lớn”, thích trải nghiệm – thử nghiệm cái mới, tái đánh giá liên tục, chứ không hình thành nên bất cứ một chuẩn mực cố định nào rồi bám chặt vào chuẩn mực đó. Lối tư duy “đầu to” như trên đã đủ lớn để có ảnh hưởng đến cả một quốc gia Israel, thậm chí còn ảnh hưởng ra toàn cầu.
***


----------------------------------------------------------------------------------------------
TRITRI.org - SÁNG TẠO ĐỔI MỚI
Thích ứng thay đổi * Chủ động sáng tạo * Dẫn dắt thành công
Các BÀI VIẾT: link
Các HÌNH ẢNH: link
Các BÀI GIẢNG: link
Sáng tạo đổi mới tái xuất giang hồ: link

Chìa khóa vàng dẫn dắt thành công trong sáng tạo đổi mới: link

{ 0 nhận xét... read them below or add one }

Đăng nhận xét